Liên quan đến đối tượng biện pháp khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên, Thông tư số 17/2022/TT-BNNPTNT sửa đổi điểm a, khoản 1 Điều 4 Thông tư số 29/2018/TT-BNNPTNT theo hướng quy định rõ và cụ thể hơn.
Theo đó, diện tích chưa đạt tiêu chí thành rừng được quy định gồm: Rừng do khai thác kiệt; nương rẫy bỏ hoang, đất có trảng cỏ, cây bụi xen cây gỗ và bãi bồi cửa sông, vùng ven biển có mật độ cây tái sinh mục đích đạt chiều cao trên 0,5 m lớn hơn 500 cây/ha; đất ngập phèn có cây tái sinh mục đích lớn hơn 1000 cây/ha. Mật độ cây tái sinh mục đích phân bố tương đối đều trên toàn diện tích hoặc có các khoảng trống dưới 1000 m2.
Về nội dung biện pháp, Thông tư số 17/2022/TT-BNNPTNT sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 2 Điều 4 lại như sau: Đối với rừng đặc dụng (phân khu bảo vệ nghiêm ngặt): Bảo vệ, chống chặt phá cây tái sinh mục đích hiện có; phòng cháy, chữa cháy rừng; Đối với rừng đặc dụng (phân khu phục hồi sinh thái), rừng phòng hộ, rừng sản xuất: Bảo vệ, chống chặt phá cây tái sinh mục đích hiện có; phòng cháy, chữa cháy rừng; phát dọn dây leo, cây bụi và chặt bỏ cây cong queo, sâu bệnh, cây phi mục đích; sửa chồi gốc và tỉa bớt chồi xấu, để lại mỗi gốc không quá 02 chồi và thực hiện vệ sinh rừng;
Đối với rừng ngập mặn, ngập phèn: Thiết lập các đai rừng phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng vùng; dọn cỏ rác, vớt bèo và các đối tượng khác chèn ép cây tái sinh mục đích; làm hàng rào bảo vệ.
Đối với đối tượng biện pháp khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung, Thông tư số 17/2022/TT-BNNPTNT sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 1 Điều 5 như sau: Diện tích chưa đạt tiêu chí thành rừng: Rừng do khai thác kiệt; nương rẫy bỏ hoang, đất có trảng cỏ, cây bụi xen cây gỗ và bãi bồi cửa sông, vùng ven biển có mật độ cây tái sinh mục đích đạt chiều cao trên 0,5 m từ 300 cây/ha đến dưới 500 cây/ha đối với rừng phòng hộ, rừng sản xuất hoặc từ 100 cây/ha đến dưới 500 cây/ha đối với rừng đặc dụng (trừ phân khu bảo vệ nghiêm ngặt); đất ngập phèn có cây tái sinh mục đích dưới 1000 cây/ha. Mật độ cây tái sinh mục đích phân bốkhông đều hoặc có các khoảng trống từ 1000 m2 đến dưới 3000 m2.
Về nội dung biện pháp khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung, theo Thông tư số 17/2022/TT-BNNPTNT: Các đối tượng quy đinh trên phải được bảo vệ, chống chặt phá cây tái sinh hiện có và phòng cháy, chữa cháy rừng; Phát dọn dây leo, cây bụi và chặt bỏ cây cong queo, sâu bệnh, cây phi mục đích; Sửa gốc chồi và tỉa bớt chồi xấu, để lại mỗi gốc không quá 02 chồi và thực hiện vệ sinh rừng.
Còn đối tượng là diện tích tre nứa sau khai thác có tỷ lệ che phủ dưới 20%, có khả năng tự tái sinh phục hồi thành rừng đối với rừng phòng hộ, rừng đặc dụng (trừ phân khu bảo vệ nghiêm ngặt), thực hiện chặt những cây bị sâu bệnh, dập gãy, cụt ngọn và không được khai thác măng trong giai đoạn khoanh nuôi.
Thông tư số 17/2022/TT-BNNPTNT có hiệu lực thi hành từ ngày 12/12/2022.