Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn cho biết: Nội dung Dự thảo Luật lần này bám sát 9 nhóm chính sách trong đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Chính phủ thông qua. Tháng 10/2023, Chính phủ sẽ trình Quốc hội cho ý kiến Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) lần thứ nhất; dự kiến tháng 5/2024, Quốc hội sẽ xem xét thông qua Dự án Luật.
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này tập trung đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho chính quyền thành phố Hà Nội, tạo cơ chế đặc thù, vượt trội cho Thủ đô chủ động, tự chịu trách nhiệm trong giải quyết công việc của thành phố; như về tổ chức bộ máy, biên chế, quy hoạch, đầu tư, xây dựng, đất đai, tài chính; tạo cơ chế đặc thù để huy động tối đa nguồn lực để phát triển tất cả các lĩnh vực.
“Nếu Dự thảo Luật được thông qua, đây sẽ là công cụ hiệu quả để Hà Nội huy động nguồn lực, khai thác triệt để tối đa những ưu thế, tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô; giải quyết được các vấn đề bức xúc của thành phố như vấn đề giao thông, ô nhiễm môi trường, phát triển đô thị theo hướng văn minh, văn hiến, hiện đại…”, ông Sơn nhấn mạnh.
Góp ý tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đều đánh giá 10 năm thực hiện Luật Thủ đô đã cho thấy những dấu ấn khá toàn diện trong phát huy vai trò vị thế Thủ đô, cả với vùng và cả nước. Tuy nhiên cũng bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, nhất là về cơ chế đặc thù, bất cập so với một số luật mới ban hành, vì vậy việc sửa đổi Luật Thủ đô là nhiệm vụ vô cùng cần thiết.
Hầu hết các ý kiến đều cho rằng Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này đã được nghiên cứu bài bản khoa học, tiếp thu có chọn lọc nhiều ý kiến đã đóng góp. Tuy nhiên, Luật Thủ đô là cơ hội, là thách thức, là lợi thế để Hà Nội phát triển vươn lên tầm cao, vị thế mới với cả nước, với khu vực và cả thế giới nên cần nâng cao tính khoa học và thực tiễn, thể hiện nguyện vọng của Nhân dân, trong đó có những người đã, đang làm công tác khoa học kỹ thuật.
Một số góp ý cụ thể được đưa ra tại Hội thảo như: bổ sung quy định về thành phố thuộc thành phố Hà Nội như vai trò các đơn vị trực thuộc mô hình mới này (tham khảo Nghị quyết 98/20334/QH15 về chính sách đặc thù thành phố Hồ Chí Minh; cần bổ sung thêm một số vấn đề theo tinh thần có các cơ chế vượt trội, đột phá, huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô trong bảo vệ môi trường; tập trung giải quyết vấn đề giao thông của thành phố theo hướng bền vững…
Kết thúc hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn hoan nghênh các đề xuất, kiến nghị tâm huyết, trí tuệ và trách nhiệm của các chuyên gia, nhà khoa học với thành phố và cho biết, từ nay đến khi Quốc hội thông qua dự thảo Luật, thành phố mong tiếp tục nhận được các ý kiến góp ý trách nhiệm của các chuyên gia, nhà khoa học, góp phần đưa Luật Thủ đô (sửa đổi) khi được ban hành sẽ đi vào cuộc sống.