Bên cạnh đó, Luật hiện hành cũng chưa rạch ròi về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước; chưa đề cao trách nhiệm của Nhà nước, cộng đồng, xã hội, doanh nghiệp, người dân.
Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cũng đề nghị nâng mức chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm vì “bỏ ra 1 đồng để phát triển kinh tế nhưng nếu không BVMT tốt thì có khi phải bỏ ra 10 đồng để xử lý môi trường”.
Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đề nghị cần xác định rõ trách nhiệm của chủ thể về BVMT; quy định rõ việc xử lý với chủ thể gây ra việc xả thải, người dân gây ô nhiễm môi trường... và cần nâng mức xử phạt để mang tính răn đe. Thực tế cho thấy người bị thiệt hại do ô nhiễm môi trường khó chứng minh, khó khởi kiện những tổ chức, cá nhân gây ra ô nhiễm môi trường. Do đó, cần có cơ quan quản lý giám sát, xử phạt các đối tượng xả thải gây ô nhiễm ra môi trường.
Theo tờ trình của Chính phủ về dự án Luật, môi trường nước ta đang diễn biến ngày càng phức tạp; chất lượng môi trường tại một số nơi đã vượt ngưỡng cho phép, không còn khả năng tiếp nhận chất thải. Đã xuất hiện những sự cố môi trường lớn, đặc biệt là sự cố môi trường do Formosa gây ra, đòi hỏi phải nhanh chóng thay đổi phương thức quản lý, kiểm soát về môi trường đối với các dự án đầu tư lớn, phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.
Bên cạnh đó, sự bùng phát dịch bệnh, đặc biệt là đại dịch Covid-19 hiện nay đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về vấn đề BVMT. Theo Chính phủ, quan điểm chỉ đạo xuyên suốt là phải lấy bảo vệ sức khoẻ Nhân dân làm mục tiêu hàng đầu, bảo đảm mọi người dân đều có quyền được sống trong môi trường trong lành.