Mới đây, cộng đồng mạng xôn xao chuyện Trấn Thành bị sửa thông tin trên Wikipedia. Sau ồn ào liên quan đến từ thiện, mặc dù thực hư chưa rõ thế nào nhưng một bộ phận cư dân mạng đã dùng một số từ ngữ thô tục, nhạy cảm thêm vào đoạn giới thiệu về Trấn Thành và có nhắc đến câu chuyện từ thiện.
Vì thường xúc động rơi nước mắt trong các chương trình gameshow, antifan cũng sửa biệt danh cho anh thành “lệ tổ” một cách đầy chế giễu. Đến nay, thông tin này đã được xóa và bài viết cũng đã để chế độ khóa chỉnh sửa trước sự tấn công, sửa chữa ồ ạt của cư dân mạng.
Trước đó, hàng loạt người nổi tiếng khác cũng bị cư dân mạng vào sửa chữa thông tin trên Wikipedia. Như nghệ sĩ hài Hoài Linh, sau ồn ào chậm giải ngân từ thiện, thông tin của danh hài trên Wikipedia đã bị sửa lại với lời lẽ công kích đầy thô tục.
Trấn Thành bị sửa thông tin trên Wikipedia. |
Cố ca sĩ Phi Nhung trong sự cố với con nuôi Hồ Văn Cường cũng bị sửa thông tin trên bách khoa toàn thư trực tuyến thành “phi phi cô nương”, “phi lụa” mang tính chế giễu.
Một số trường hợp bị sửa thông tin khác có thể kể đến MC Phan Anh, ca sĩ Thủy Tiên, ca sĩ Jack, Hoa hậu chuyển giới Hương Giang... “lũ đế” là cái tên gắn với MC Phan Anh trên bách khoa mạng, cùng với đó, nữ ca sĩ Thủy Tiên cũng bị sửa nick name thành “lũ hậu”, ám chỉ đến ồn ào quanh chuyện làm từ thiện.
Sau khi bị lập group antifan, bị tấn công trên mạng xã hội, tên Hương Giang trên Wikipedia bị chỉnh sửa thành “nữ hoàng đạo lý”. Còn Jack, vụ ồn ào sống thiếu trách nhiệm trong tình cảm đã khiến ca sĩ trẻ này bị sửa thông tin thành “giẻ rách” và “Jack 5 triệu” trên mạng.
Sau những scandal, các nghệ sĩ này bị thêm phần tiểu sử mới với nhiều ngôn từ xúc phạm, bịa đặt. Tìm kiếm trên Wikipedia, cũng có thể tìm thấy những cái tên từng nổi đình nổi đám trên mạng vì các sự cố cố ý hoặc vô ý. Có người từng phạm tội, có người thực hiện các hành vi vô thức gây “bão mạng”.
Nhiều phần mô tả hành vi của những người “bị” nổi tiếng này mang tính công kích, phóng đại, ác ý. Và một khi đã xuất hiện trên bách khoa toàn thư trực tuyến thì cái tên đã bị “đóng đinh” vào các thanh công cụ tìm kiếm online, lỗi lầm từng gây ra có muốn xóa đi cũng không được.
Không chỉ Wikipedia mà các công cụ mạng xã hội, một khi có tính năng đóng góp từ người dùng để có thể bị sửa chữa, thành trò đùa. Như trường hợp nghệ sĩ Hoài Linh, không chỉ bị sửa thông tin trên Wikipedia mà khu vực nhà thờ tổ do Hoài Linh xây dựng cũng bị sửa thông tin trên ứng dụng bản đồ Google Map thành một cái tên hết sức thô thiển.
Hoặc như trường hợp một nhân vật đình đám từng bị ra tòa vì tội dâm ô với một bé gái trong thang máy, địa chỉ nhà của nhân vật này bị sửa thành “hang ổ của kẻ ấu dâm”, sau đó một thời gian mới được ứng dụng bản đồ trực tuyến điều chỉnh lại. Nhiều người dùng đăng tải lỗi này lên mạng xã hội, bày tỏ thích thú hoặc tức giận trước sự việc. Sau đó, bản dịch của câu tiếng Anh nêu trên đã được thay thế bằng một cụm từ tiếng Việt có nghĩa.
Với nhiều cư dân mạng, những trò sửa chữa thông tin chỉ mang tính “đùa cho vui”, hoặc xả những phẫn nộ, tức giận lên những người mình không thích. Tuy nhiên, hậu quả của những trò đùa ấy lại chẳng nhỏ tí nào. Có nhiều người đã bị tai tiếng, bị bôi nhọ, xúc phạm từ những thông tin bởi những điều chỉnh ấy. Cạnh đó, đây còn được coi là hành vi vô ý thức, phá hoại, gây lệch lạc công cụ cung cấp kiến thức cho cộng đồng.