Sức hút du lịch ảo hậu đại dịch

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Dù ngành du lịch thế giới đang trên đà phục hồi và du lịch Việt Nam cũng đang rục rịch khởi động lại, tuy nhiên, du lịch online vẫn chưa mất đi vị thế, ngược lại còn cho thấy sức hút rất lớn trên thị trường.
 Du lịch thực tế ảo vẫn rất hút khách trong đại dịch.
Du lịch thực tế ảo vẫn rất hút khách trong đại dịch.

Bước qua đại dịch, du lịch Việt Nam đã chứng tỏ khả năng thích ứng với tình hình mới, nổi bật nhất vẫn là các sản phẩm du lịch ảo được ra đời. Du lịch ảo không chỉ đáp ứng nhu cầu đi du lịch, phù hợp với điều kiện thích ứng mới khi tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp.

Gần đây, triển lãm du lịch ảo “Phục hồi du lịch An Giang” của tỉnh An Giang đã thu hút hàng ngàn lượt tham quan, trong đó, riêng buổi khai mạc diễn ra ngày 9/11 đã có trên 2.000 người tham dự. Điểm đặc biệt của triển lãm này nằm ở hình thức trải nghiệm trên nền tảng Seensio, người dùng có thể tạo một nhân vật 3D giống mình ngoài đời thật, sau đó tham dự triển làm bằng máy tính cá nhân, laptop, điện thoại (iOS, Android), kính thực tế ảo, trình duyệt web… và đều có thể gặp nhau, trò chuyện, tương tác với nhau như ngoài đời thật (thông qua đàm thoại, chat hoặc tạo cử chỉ). Điều này chứng tỏ sức hút của du lịch ảo vẫn rất lớn với công chúng.

Đối với người dân, du lịch ảo vẫn là trải nghiệm thú vị khi không thể đi đến địa điểm tham quan. Chị Thúy Hà (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: “Thời gian rảnh cuối tuần tôi hướng dẫn cho con vào trang web của Nhà tù Hỏa Lò để xem triển lãm online và nghe thuyết minh. Đây là cách các con có thể học thêm về lịch sử Việt Nam”.

Website VR360 giới thiệu đến khách du lịch nhiều địa điểm tham quan nổi tiếng.

Website VR360 giới thiệu đến khách du lịch nhiều địa điểm tham quan nổi tiếng.

“Du lịch ảo không chỉ giúp thỏa mãn “cơn khát” của những tín đồ ưa xê dịch mà còn giúp du khách tiết kiệm thời gian, chi phí, hạn chế những rủi ro không thể lường trước trong tình hình dịch COVID-19 còn phức tạp” - ông Nguyễn Trung Thành, Giám đốc Công ty Du lịch Golden T Travel cho biết.

Hiểu được tâm lý chung của du khách, các địa phương và đơn vị liên tục thích ứng thay đổi, phát triển các sản phẩm du lịch công nghệ. Mới đây, thành phố Đà Nẵng đã phát triển tính năng “Một chạm đến Đà Nẵng” giúp du khách có thể trải nghiệm, khám phá Đà Nẵng với thuyết minh tự động. Chỉ với những cú click chuột, khách du lịch có thể ngắm trọn vẹn Đà Nẵng thông qua thiết bị thông minh. Ứng dụng được phát triển với cả 2 nền tảng ngôn ngữ Anh – Việt, đáp ứng nhu cầu của khách trong nước và quốc tế. Ngoài ra, ứng dụng còn kết hợp nhiều hoạt động tương tác như chụp ảnh check-in online, nhận quà tặng hoặc voucher khi tham gia trải nghiệm.

Hiện nay, tại trang website VR360 giới thiệu đến khách du lịch nhiều địa điểm thực tế ảo thú vị như: Lăng Khải Định (Huế), động Huyền Không (Ngũ Hành Sơn), Bảo tàng sáp (Bà Nà),… Du khách chỉ cần click chuột và di chuyển đến các không gian 3D để trải nghiệm. Tour du lịch ảo khám phá Mộc Châu (tỉnh Sơn La) cũng đã được thực hiện với sự trợ giúp của kính VR, tai nghe... Chỉ bằng thao tác chuyển cảnh đơn giản, người xem sẽ được ngắm quang cảnh hùng vĩ của thác Dải Yếm, nghe tiếng thác chảy, ngắm rừng thông bản Áng thơ mộng và trải nghiệm đi dạo vòng quanh các vườn hoa như ở ngoài đời thực.

Không chỉ các tỉnh năng động về chuyển đổi số thích ứng nhanh với sản phẩm du lịch online, nhiều địa phương có tiềm năng cũng chú trọng đến chuyển đổi số. Mới đây, tỉnh Lào Cai đã đưa Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh vào hoạt động, trong đó có nhiều hạng mục ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch.

Đó là hệ thống camera giám sát kết hợp loa thông minh đặt tại các vị trí trọng điểm về cảnh quan; số hóa dữ liệu điểm du lịch đã được công nhận trên địa bàn thị xã Sa Pa; thí điểm ứng dụng công nghệ 3D cung cấp thông tin du lịch ảo đối với các điểm du lịch do thị xã quản lý.

Du lịch ảo là xu hướng chung trên thế giới. Tại Nhật Bản, các tour du lịch ảo thời gian gần đây cũng được nhiều người săn đón. Những tháng gần đây, các tour này thường xuyên trong tình trạng bán hết. Tính đến tháng 8/2021, tổng số người sử dụng tour lên tới hơn 120.000 lượt. Một đại diện của H.I.S – đơn vị làm tour du lịch ảo ở Nhật Bản cho hay, mọi người thường có xu hướng chọn các điểm gần để đi du lịch trong thực tế, nhưng với các tour du lịch trực tuyến thì các điểm đến như châu Phi hay các điểm xa hơn trên thế giới đang được ưa chuộng.

"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Đọc thêm