Sức hút từ… ruộng bậc thang mùa đổ nước

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Những thửa ruộng bậc thang mùa nước đổ tầng tầng, lớp lớp, uốn lượn, nhấp nhô như những con sóng, lấp lánh trong ánh nắng thu hút du khách tìm đến Mù Cang Chải (Yên Bái) khám phá. Du lịch đang góp phần cải thiện nguồn thu nhập cho người dân miền danh thắng.
Trên đỉnh đồi Móng Ngựa trứ danh du khách thong thả tạo dáng lưu giữ thanh xuân. (Ảnh trong bài: Nguyên Đức)
Trên đỉnh đồi Móng Ngựa trứ danh du khách thong thả tạo dáng lưu giữ thanh xuân. (Ảnh trong bài: Nguyên Đức)

Tất bật mùa nước đổ

Khi cơn mưa đầu hạ đổ xuống cũng là lúc người Mông ở Mù Cang Chải neo mình trên những triền ruộng bậc thang tất bật cho vụ mùa mới. Với ruộng cấy hai vụ, thời điểm này cũng là lúc dân bản thu hoạch lúa đông xuân, kết hợp làm đất, gieo mạ cho vụ mùa. Với ruộng một vụ cấy, sau 3 tháng nghỉ ngơi người dân khẩn trương vỡ đất, làm cỏ cho kịp đón con nước về.

Giữa tháng 5, vợ chồng anh Thào A Cớ ở bản Lìm Mông - xã Cao Phạ tất bật chuẩn bị nông cụ để đi vỡ đất, dẫn nước về từng khuâng ruộng bậc thang của gia đình. Anh Cớ cho biết, năm ngoái mưa ít nên nước ít, dẫn nước vất vả, ruộng cấy chẳng được là bao. Năm nay, trời thương mưa nhiều, dẫn con nước về cũng dễ dàng, cày dễ, bừa dễ, cấy được nhiều ruộng nên không lo đói.

Từ đầu tháng 5 người dân bản xứ tất bật dẫn nước về ruộng bắt đầu vụ mùa mới.

Từ đầu tháng 5 người dân bản xứ tất bật dẫn nước về ruộng bắt đầu vụ mùa mới.

Bên nương ruộng rộn đều tiếng nước chảy ở La Pán Tẩn, vợ chồng anh Giàng A Vềnh miệt mài lao tác, chồng cày đất, vợ làm bờ. Phía xa xa những nương mạ xanh non vươn mình đợi được bứng xuống khuâng ruộng để vươn mình thành bông lúa vàng trĩu hạt. Nước đổ tới đâu, ruộng cày bờ đắp lúa cấy đến đó vẽ nên không khí nhộn nhịp khẩn trương giữa núi rừng Tây Bắc.

Ở các xã phía Tây huyện Mù Cang Chải như: Lao Chải, Hồ Bốn, Khao Mang, thời điểm bắt đầu vụ mùa của người Mông nơi đây muộn hơn các xã phía Đông của huyện. Những ngày cuối tháng 6, ông Giàng A Lồng thường xuyên men theo đường đất leo ngược lên núi để kiểm tra tuyến mương và đường ống dẫn nước từ thượng nguồn về từng thửa ruộng ở Khao Mang. Ông Lồng chia sẻ, việc dẫn nước rất quan trọng, không có nước đồng nghĩa với việc không thể làm đất, không thể gieo cấy.

Việc làm đất cũng lựa theo con nước, nước đổ tới đâu đất làm tới đó.

Việc làm đất cũng lựa theo con nước, nước đổ tới đâu đất làm tới đó.

Nước chảy róc rách, len lỏi xăm xắp mặt ruộng tạo nên những “tấm gương” xếp chồng, lấp lánh dưới ánh mặt trời hệt như khối kim cương khổng lồ. Vài năm trở lại đây, huyện Mù Cang Chải nỗ lực đẩy mạnh quảng bá hình ảnh du lịch thông qua những sản phẩm du lịch đa dạng. Trong đó, giới thiệu vẻ đẹp của những thửa ruộng bậc thang mùa nước đổ được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.

Từ cuối tháng 4/2024, UBND huyện Mù Cang Chải tổ chức khai mạc Festival dù lượn “Bay trên miền danh thắng Mùa nước đổ”. Phong trào "Du lịch xanh cùng Mù Cang Chải" năm 2024 cũng được phát động. Tại bản Tà Sung, xã Cao Phạ, 250 cây hoa, trong đó 200 cây hoa tớ dày và 50 cây hoa ngân hạnh được trồng trong dịp này nhằm góp phần kiến tạo bản sắc du lịch.

Những thửa ruộng mùa nước đổ như tấm gương xếp chồng lấp lánh dưới ánh mặt trời.

Những thửa ruộng mùa nước đổ như tấm gương xếp chồng lấp lánh dưới ánh mặt trời.

Anh Hờ A Rùa, hướng dẫn viên du lịch người địa phương cho biết, từ đầu mùa nước đổ mỗi tuần anh thường đón và hướng dẫn từ 2 - 3 đoàn khách tới tham quan, “check-in” tại các điểm ruộng nổi tiếng trong huyện. Bên cạnh đó, những đoàn khách lưu trú lâu ngày đã biết và kết hợp trải nghiệm tại những điểm du lịch nổi tiếng khác như: thác Háng Đề Chơ, thác Bảy Tầng, thác Thào Chua Chải hay đến thăm rừng trúc, nhà ngô, sống khủng long, hoa ban tròn…

Theo bà Lương Thị Xuyến, Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải, dựa trên tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên và sự thân thiện, hồn hậu, hiếu khách của người dân, huyện đưa ra nhiều giải pháp để du khách hài lòng hơn nữa khi đến tham quan, khám phá, trải nghiệm du lịch tại địa phương. Huyện Mù Cang Chải cũng xác định du lịch là một hướng để bà con tăng thêm thu nhập, phát triển kinh tế, ngoài việc làm ruộng để bảo đảm an ninh lương thực thì sử dụng cảnh quan đó để phát triển các dịch vụ du lịch.

Mai Anh, nữ du khách đến từ Vĩnh Phúc chia sẻ rằng, vẻ hoang sơ của thiên nhiên và nét văn hóa đặc sắc của người Mông tạo nên nét đặc trưng kéo du khách tìm đến để khám phá, chữa lành và lưu giữ thanh xuân. Mai Anh cũng đã lên kế hoạch để trở lại khám phá Mù Cang Chải vào dịp mùa lúa vàng trổ bông và mùa hoa tớ dày khoe sắc.

Ông Trịnh Thế Bình, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Mù Cang Chải cho hay, năm nay lượng khách đến Mù Cang Chải mùa nước đổ tuy không ồ ạt nhưng đều và phân bổ liên tục vào tất cả các ngày trong tuần. Lượng khách đều đặn góp phần giảm tải cho hạ tầng du lịch và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch của địa phương.

Sức bật du lịch trải nghiệm

Những ngày tháng 5 và tháng 6, các đồi Móng Ngựa, Mâm Xôi lớn, Mâm Xôi nhỏ trở nên sôi động, trở thành điểm “check-in” và trải nghiệm lý tưởng của du khách trong dịp ghé thăm Mù Cang Chải mùa nước đổ. Không chỉ du khách thông thường, những ngày con nước tràn trề, long lanh cũng là thời khắc thu hút hàng chục tay thợ “săn” ảnh tìm đến tác nghiệp.

Mùa nước đổ trở thành thời điểm đi “săn” đầy duyên nợ của nhiếp ảnh gia.

Mùa nước đổ trở thành thời điểm đi “săn” đầy duyên nợ của nhiếp ảnh gia.

Bên triền ruộng đồi Móng Ngựa, Tuấn Vũ, phóng viên ảnh của một tạp chí loay hoay đổi đủ tư thế, chỉnh ống kính và tập trung “bóp cò”. Tuấn Vũ cho biết, mỗi mùa nước đổ anh đều đến Mù Cang Chải 4 - 5 lần. Mỗi năm mỗi khác nhưng để bắt được hồn cốt của những thửa ruộng bậc thang mùa nước đổ thì phải có nắng hồng và mây trắng phơn phớt. Thế nhưng, không phải lúc nào ông trời cũng chiều lòng người, có khi trời âm u, mưa bất ngờ là trở về tay trắng, cuộc đi “săn” coi như thất bại.

Không chỉ du khách trong nước, năm 2024 lượng du khách quốc tế ghé thăm những thửa ruộng của người Mông ở Mù Cang Chải để khám phá và trải nghiệm gia tăng đáng kể. Chị Jannina, du khách người Pháp, lần đầu tiên đặt chân đến Mù Cang Chải dịp nước đổ không khỏi ngỡ ngàng trước cảnh đẹp nơi đây và trải nghiệm buổi cày ruộng như người nông dân bản xứ. "Tôi rất thích khung cảnh sáng sớm khi thức dậy, rất là đẹp. Được tham gia vào cuộc sống và công việc của người dân ở đây cũng tuyệt vời không kém" - Chị Jannina bày tỏ cảm xúc.

Du lịch trải nghiệm trở thành sản phẩm đặc sắc thu hút sự quan tâm của du khách nước ngoài.

Du lịch trải nghiệm trở thành sản phẩm đặc sắc thu hút sự quan tâm của du khách nước ngoài.

Ông Phạm Tiến Lâm, Bí thư Đảng ủy xã La Pán Tẩn (Mù Cang Chải - Yên Bái) không khỏi ngạc nhiên cho biết, mấy năm về xã công tác đến năm nay khách nước ngoài đến La Pán Tẩn vào dịp nước đổ ngày càng đông. Ông Lâm đánh giá, đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy vẻ đẹp của những thửa ruộng bậc thang ở La Pán Tẩn - Mù Cang Chải đã dần tiếp cận với đông đảo du khách, đặc biệt là khách nước ngoài biết tới.

Du lịch khám phá và trải nghiệm đã và đang trở thành đặc trưng của Mù Cang Chải. Ngoài thóc lúa bảo đảm lương thực, những thửa ruộng bậc thang còn gia tăng đáng kể thu nhập cho người dân bản xứ. Nhiều gia đình ở các xã như Cao Phạ, La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Dế Xu Phình đang thay đổi tư duy, họ biết dùng chính thửa ruộng của mình làm sản phẩm du lịch, đồng thời đầu tư thêm homestay, nhà nghỉ cộng đồng, phục vụ ăn uống, đi lại cho du khách.

Đại diện của Hợp tác xã du lịch đồi Mâm Xôi cho biết, hiện tại tổ xe ôm du lịch trong xã có tới 600 thành viên, trung bình mỗi gia đình một người. Vào thời gian du lịch cao điểm như mùa nước đổ, mùa lúa vàng, mỗi tài xế thu nhập chừng ba trăm ngàn đồng một ngày. Tính trung bình, thời gian phục vụ du lịch khoảng 2 tháng trên năm cũng đem lại cho mỗi tài xế khoảng 20 triệu đồng, tương đương với khoảng 3 tấn lúa.

Đọc thêm