Sức lan tỏa phong trào “Ngành Tư pháp chung sức xây dựng nông thôn mới”

(PLVN) - Năm 2018, phong trào thi đua “Ngành Tư pháp chung sức góp phần xây dựng nông thôn mới”, “Cả nước chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau” đã tạo được sức lan tỏa lớn.
Một hoạt động xã hội của Cục THADS Hà Tĩnh

Các phong trào nói trên đã được các cơ quan, đơn vị trong Ngành, cán bộ, công chức nhiệt tình hưởng ứng, nhân dân phấn khởi, đón nhận và được triển khai sâu rộng bằng những việc làm, hành động cụ thể với nhiều hình thức thi đua phong phú, đa dạng, thiết thực. 

Các đơn vị thuộc Bộ đã tăng cường công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, phổ biến pháp luật, tham gia tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải, kiến thức pháp luật cho báo cáo viên, hòa giải viên các huyện nghèo; phối hợp với chính quyền địa phương đăng ký tham gia giúp đỡ các xã xây dựng nông thôn mới, trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo; quan tâm, sát cánh với những người dân ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, ven biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Các Sở Tư pháp chủ động phối hợp với đơn vị liên quan tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cùng cấp trong xây dựng, hoàn thiện thể chế chính sách, pháp luật, tạo môi trường pháp lý thuận lợi, khuyến khích, thu hút các nguồn lực để xây dựng nông thôn mới; thể chế hóa đầy đủ, kịp thời, các chủ trương, chính sách nhằm nâng cao chất lượng, đảm bảo tiến độ xây dựng nông thôn mới; tham mưu chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện chuẩn tiếp cận pháp luật; lựa chọn xã đặc biệt khó khăn để giúp đỡ với nhiều hình thức.

Nhiều Cục, Chi cục THADS đã chủ động phối hợp chính quyền địa phương đăng ký tham gia giúp đỡ các xã xây dựng nông thôn mới; kết hợp, lồng ghép các hoạt động xây dựng nông thôn mới với việc triển khai, thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị như xây dựng xã, địa bàn không có án tồn đọng; hiến đất, ngày công lao động xây dựng giao thông nông thôn; phối hợp chính quyền, các tổ chức đoàn thể tại địa phương tuyên truyền, vận động, giúp đỡ người được thi hành án, người phải thi hành án hoặc những người được đặc xá, những người đã mãn hạn tù, là đối tượng đang phải thi hành án dân sự thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, sớm hoà nhập với cộng đồng, ổn định cuộc sống.

Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong Ngành cùng với việc dành ít nhất 1-2 ngày lương, các phần quà, đồ dùng, vật phẩm giá trị khác để ủng hộ các hoạt động đền ơn đáp nghĩa; ủng hộ kinh phí tổ chức các hoạt động an sinh xã hội và xây dựng Khu di tích truyền thống của Đảng bộ Khối; ủng hộ chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” do Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phát động; ủng hộ người nghèo, đồng bào bị lũ lụt, thiên tai; giúp đỡ học sinh nghèo vượt khó… tham gia giúp đỡ đồng bào vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số các hoạt động hỗ trợ khác nhằm góp phần cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho những người dân còn gặp nhiều khó khăn. 

Lãnh đạo Bộ cùng đoàn công tác đã trao tặng chính quyền và nhân dân vùng lũ tỉnh Lai Châu, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa; ủng hộ nhân dân tại tỉnh Attapeu của Lào khắc phục hậu quả do vỡ đập thủy điện; đến thăm hỏi, trao tặng tiền mặt và 114 phần quà tới các thương, bệnh binh, gia đình chính sách, người có công tại Trung tâm Điều dưỡng Thương, bệnh binh Kim Bảng, Hà Nam; Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp đã phối hợp với Sở Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự các tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam tổ chức Chương trình “Hành trình tri ân - Hành trình tình nguyện”, phối hợp với Tỉnh đoàn Thanh Hóa, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam trao tặng số tiền cho Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh Thanh Hóa...

Các cơ quan, đơn vị thuộc Khu vực thi đua khối các cơ quan tư pháp các tỉnh miền Đông Nam bộ hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà tình thương cho ba công chức trong ngành Tư pháp có hoàn cảnh khó khăn tại các tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng và Tây Ninh với mức hỗ trợ cho mỗi công chức là 60 triệu đồng; Sở Tư pháp tỉnh Lào Cai đã tặng quà cho các gia đình chính sách, hộ nghèo, các cháu có hoàn cảnh khó khăn với tổng giá trị là 25,4 triệu đồng cùng với các tặng phẩm khác; Sở Tư pháp tỉnh Hà Nam nhận Phụng dưỡng hai Mẹ Việt Nam Anh hùng; Sở Tư pháp tỉnh Long An nhận phụng dưỡng một Mẹ Việt Nam Anh hùng, Sở Tư pháp TP HCM đóng góp xây hai căn nhà tình thương với tổng giá trị 100 triệu đồng cho cán bộ Tư pháp – Hộ tịch cấp xã khó khăn ở Lâm Đồng…

Các cục THADS Hải Dương, Tây Ninh, Hậu Giang, Đà Nẵng, Sơn La, Bạc Liêu, Yên Bái, Cần Thơ,  Kon Tum, Quảng Ninh, Quảng Nam, Khánh Hòa… cũng có nhiều hoạt động thiết thực tham gia hỗ trợ xây dựng nông thôn mới, giúp đỡ người dân cả vật chất và tinh thần.

Bằng những việc làm thiết thực, ngành Tư pháp đã, đang và sẽ tiếp tục chung sức nỗ lực góp phần xây dựng nông thôn mới và giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn trong và ngoài ngành đúng như tên gọi các chương trình đề ra. 

Đọc thêm