Đồn Biên phòng Ba Sơn được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ 41.587km đường biên giới quốc gia thuộc địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Đây là tuyến biên giới trải dài và địa hình phức tạp, hiểm trở với vị trí đặc biệt nằm giữa những dãy núi trùng điệp của Lạng Sơn, nổi bật nhất là dãy núi Mẫu Sơn với độ cao lên đến 1.541 mét. Địa hình núi non tại đây không chỉ khó đi mà còn đầy nguy hiểm với những vách đá dựng đứng, sườn núi dốc và những con đường mòn quanh co. Vào mùa mưa, những con đường trở nên trơn trượt và dễ sạt lở, gây nguy hiểm cho những ai di chuyển qua đây. Các chiến sĩ Biên phòng phải thường xuyên tuần tra, kiểm tra và duy trì an toàn giao thông trên con đường này.Khu vực xung quanh Đồn Biên phòng Ba Sơn còn có nhiều vực sâu nguy hiểm, trong đó có vực Pò Mã. Vực này có độ sâu hàng trăm mét, tạo nên cảnh quan hùng vĩ nhưng cũng đầy hiểm nguy. Việc tuần tra, kiểm soát và bảo vệ khu vực này đòi hỏi các cán bộ, chiến sĩ Biên phòng phải sử dụng các thiết bị leo núi chuyên dụng, luôn cảnh giác cao độ trước mọi nguy cơ từ thiên nhiên. Mỗi lần tiếp cận và kiểm tra vực sâu, họ phải đối mặt với nhiều thử thách và nguy hiểm.
Nhưng dù ngày nắng khô ráo, hay những ngày mưa gió, thời tiết cực đoan với mưa, lũ, việc tuần tra chưa bao giờ lơi lỏng, vì “công tác quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia là nhiệm vụ quan trọng nhất, là sứ mệnh thiêng liêng và cao cả của các chiến sĩ Biên phòng”, Đại uý Phạm Xuân Nhật, Đội trưởng Vũ trang Đồn Biên phòng Ba Sơn khẳng định trong khi giới thiệu cho phóng viên về địa bàn quản lý của Đồn và nhiệm vụ của lực lượng Biên phòng tại đây.
Qua giới thiệu của Đại úy Phạm Xuân Nhật và đoạn đường thực tế được đi qua, chúng tôi cũng phần nào mường tượng về những khó khăn, nguy cơ, hiểm nguy mà các anh gặp phải khi tuần tra. Đại uý Vũ Đức An tâm sự: “Trong quá trình tuần tra, đường trơn trượt, địa hình hiểm trở, phức tạp thì việc ngã, bị thương là điều không thể tránh khỏi, những tình huống nguy hiểm như đối mặt với các đối tượng buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma tuý… Mỗi lúc như thế, các đồng chí, đồng đội hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau vượt qua, bởi chúng tôi đều đã và đang làm theo lời thề thứ bảy trong Mười lời thề danh dự của quân nhân trong Quân đội nhân dân Việt Nam: “Đoàn kết chặt chẽ với nhau như ruột thịt trên tình thương yêu giai cấp; hết lòng giúp đỡ nhau lúc thường cũng như lúc ra trận; thực hiện toàn quân một ý chí”. Đó chính là sức mạnh để lực lượng Biên phòng tại Đồn Biên phòng Ba Sơn hoàn thành những nhiệm vụ được giao trong hành trình bảo vệ biên cương dù bất kỳ hoàn cảnh nào.
Thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng bảo vệ từng tấc đất, từng kilomet đường biên giới như “từng miếng thịt, miếng da” của Tổ quốc, Lực lượng Biên phòng tại Ba Sơn luôn tự hào khi ngày ngày tiếp nối các thế hệ cha anh đi trước, phát huy những phẩm chất, năng lực của bộ đội Cụ Hồ để bảo vệ vững chắc biên giới quốc gia và xây dựng thế trận lòng dân ở vùng biên viễn làm phên dậu vững chắc cho Tổ quốc.
Sau những giờ làm nhiệm vụ của người lính, các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ba Sơn còn là những “người con của xã Cao Lâu” , “gánh” nhiều vai khi cùng làm, cùng ăn, cùng ở với dân. Vừa là thầy giáo cho những đứa trẻ trong xã, vừa cùng bà con xuống đồng mùa gặt, làm cỏ ngô, xới xáo, vun gốc trên những mảnh vườn mơn mởn sức xanh, vừa là những y tá, bác sĩ khi người dân mắc bệnh. Thiếu tá Lương Văn Tuấn, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Ba Sơn cho biết: “Các cán bộ, chiến sĩ Biên phòng tại Đồn Biên phòng Ba Sơn tham gia tổ chức, tuyên truyền và đóng góp rất tích cực trong nhiều hoạt động của Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh 3 xã Cao Lâu, Xuất Lễ và Mẫu Sơn, nên tình cảm quân dân giữa bộ đội Biên phòng và người dân ở đây rất bền chặt, khăng khít”, tạo thuận lợi cho việc tham gia xây dựng và củng cố tinh thần đại đoàn kết dân tộc ở vùng khó khăn như 3 xã Cao Lâu, Xuất Lễ, Mẫu Sơn (huyện Ba Sơn). Nhờ thế, với Đồn Biên phòng Ba Sơn, thì các chiến sĩ và người dân trên địa bàn quản lý như những người anh em, ruột thịt.
Đại uý Tô Đức Long, Đội trưởng vận động quần chúng Đồn Biên phòng Ba Sơn cho biết: “Gần gũi với bà con, nhân dân chính là góp phần bảo vệ biên giới quốc gia, an ninh tổ quốc vì mỗi người dân chính là những cánh tay nối dài của lực lượng Bộ đội Biên phòng trên vùng biên giới, lực lượng Biên phòng Ba Sơn đã có nhiều mô hình canh tác hay, vừa góp phần bảo vệ đường biên giới cột mốc, vừa giúp người dân tại 3 xã Cao Lâu, Xuất Lễ, Mẫu Sơn như: chè hoa vàng, luỹ tre biên giới Việt, canh tác hoa hồi, trồng ngô, trồng lúa…”. Mô hình chè hoa vàng và canh tác hoa hồi giúp cho nhiều hộ dân ở đây phát triển kinh tế cao, có nhiều hộ dân đã xây được nhà cửa khang trang, cải thiện môi trường sống.
Cùng với đó, công việc hàng ngày của những người lính Biên phòng Ba Sơn là đẩy mạnh công tác dân vận, bám dân, bám địa bàn, vận dụng linh hoạt các hình thức, phương pháp để tuyên truyền, vận động nhân dân, tạo sự đồng thuận trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tuyên truyền để Nhân dân nắm được tình hình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh; về dân tộc, tôn giáo; nhận rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng các vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo để chống phá. Qua đó, động viên đồng bào nêu cao ý thức tự hào, tự tôn dân tộc, tích cực lao động sản xuất, sống “tốt đời, đẹp đạo”, tương thân tương ái, chia sẻ, giúp đỡ nhau xây dựng khu dân cư, làng, bản ngày càng phát triển; tuyệt đối không nghe theo sự xúi giục, kích động của phần tử xấu, các thế lực thù địch.
Bên cạnh đó, chú trọng tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu, thực hiện đúng quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của công dân; hiểu biết, tôn trọng, chấp hành nghiêm pháp luật; phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trên mọi lĩnh vực theo phương châm: “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Song, kiên quyết chống các biểu hiện lợi dụng tự do, dân chủ làm mất an ninh, trật tự, ảnh hưởng tới sự đồng thuận xã hội và sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Việc tuyên truyền và phổ biến pháp luật cho người dân nơi đây cũng là nhiệm vụ quan trọng của những người lính để tạo sự bình yên cho địa bàn. Đại uý Nhật kể lại: “Trong quá trình tuần tra đường biên, đội tuần tra phát hiện được người dân trồng cây, canh tác vi phạm Hiệp định về quy chế quản lý biên giới trong phạm vi đường thông tầm nhìn. Ngay lập tức các chiến sĩ Biên phòng đã phân tích cho bà con tác hại của việc trồng cây, canh tác vi phạm Hiệp định về quy chế quản lý biên giới, tuyên truyền pháp luật về quản lý, bảo vệ biên giới cho người dân. Với sự kiên trì và cách tuyên truyền đơn giản, đúng trọng tâm, người dân đã hiểu, tiếp thu và tự nguyện di dời phần cây cối, hoa màu của mình trồng về sâu phần lãnh thổ Việt Nam để đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật”.
Chia sẻ về “tình thân mến thương” của quân dân nơi đây, ông Lỉ, một người dân ở xã Mẫu Sơn xúc động cho biết: “Các anh Biên phòng ở đây gần gũi với chúng tôi lắm, nhất là khi chúng tôi gặp khó khăn, các anh nhiệt tình giúp đỡ như việc của mình. Mấy anh đã đến giúp tôi dựng nhà, xây chòi, lại còn xuống làm cỏ, vun gốc trồng ngô giúp gia đình. Chúng tôi biết ơn lắm”.
Còn chị Lan - một người dân ở xã Xuất Lễ thì cứ áy náy mãi vì “cứ mỗi mùa cấy lúa, gặt lúa, các cán bộ, chiến sĩ Biên phòng lại xuống giúp gia đình tôi cấy, gặt, chúng tôi quý mến vô cùng, nhưng cũng chẳng có gì để cảm ơn, chỉ mời được bữa cơm, bát cháo, con gà nhà nuôi…”.
Từ việc gắn bó mật thiết với đồng bào vùng biên, hỗ trợ họ trong cuộc sống hàng ngày, Bộ đội Biên phòng Đồn Biên phòng Ba Sơn đã và đang từng ngày củng cố, vun đắp cho tinh thần đại đoàn kết dân tộc bằng những hành động, những việc làm cụ thể. Chính họ là những người góp phần không nhỏ vào việc xây dựng thế trận lòng dân vững chắc để giữ vững chủ quyền và xây dựng biên giới hoà bình, ổn định và phát triển.