Thông tin từ Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, đơn vị vừa tiến hành nội soi lấy thành công khối bã thức ăn “mắc kẹt” trong dạ dày bệnh nhân nữ N.T.P (67 tuổi, trú tại TP Huế, Thừa Thiên Huế). Theo các bác sĩ, khối bã thức ăn cứng và lớn này được hình thành do người bệnh ăn quả hồng giòn vào lúc đói vào trước đó.
Cụ thể, theo BS Trần Như Nguyên Phương, Trưởng khoa Nội soi Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, bệnh nhân P nhập viện cấp cứu ngày 20/10 trong tình trạng xuất huyết tiêu hóa, đi cầu phân đen… Các bác sĩ bệnh viện Trung ương Huế sau đó đã tiến hành nội soi dạ dày cho bệnh nhân và phát hiện vài ổ loét trong dạ dày có dấu hiệu chảy máu cùng một khối bã thức ăn lớn hình dáng như quả trứng trong dạ dày, kích thước khối bã thức ăn cứng đường kính 5 – 7cm.
Sau gần 2 giờ đồng hồ, thay vì phẫu thuật như thông thường, các bác sĩ đã tiến hành nội soi mềm, cắt khối bã thức ăn lớn thành nhiều miếng nhỏ, rồi lấy ra ngoài qua đường miệng bệnh nhân. Sức khỏe bệnh nhân sau khi thực hiện thủ thuật cũng nhanh chóng hồi phục và có thể ăn uống bình thường trở lại vào ngày hôm sau đó.
Bệnh nhân N.T.P và khối bã thức ăn có trong dạ dày trước đó (ảnh nhỏ) |
Theo các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế, khối bã thức ăn thường được hình thành chủ yếu ở người già và trẻ nhỏ. Nguyên nhân hình thành các khối bã chủ yếu là do các thực phẩm chứa nhiều chất tanin như: hồng ngâm, xoài xanh, ổi…và thức ăn có nhiều chất bã xơ như măng...
Đặc biệt lưu ý về thời điểm ăn, nếu ăn khi đói, dạ dày còn trống rỗng, nồng độ HCl cao, hoa quả có nhiều chất xơ, có nhiều nhựa dễ bị kết tủa làm kết dính các sợi xơ thực vật, tạo thành khối bã rắn chắc. Cộng thêm thói quen ăn quá nhanh, nhai không kỹ là một trong những nguyên nhân dẫn đến nguy cơ gây tắc ruột do bã thức ăn. Nếu không được xử trí kịp thời, tắc ruột do ứ đọng bã thức ăn có thể gây biến chứng viêm màng bụng, hoại tử ruột, thủng ruột, nhiễm trùng… dẫn tới tử vong.
Vì vậy, để dự phòng nguy cơ tạo khối bã thức ăn đường tiêu hóa, cần lưu ý cách ăn uống cho người cao tuổi, thức ăn phải nấu chín, ninh nhừ, mềm... Đồng thời, mọi người nên uống đủ nước, tập thể dục đều đặn nhằm giúp ruột được kích thích, dễ dàng co bóp và lưu thông tốt. Đối với thức ăn cần được nấu chín, khi ăn cần nhai kỹ, đặc biệt là người già không nên nuốt những thức ăn dai, cứng như gân, sụn để tạo thành nhân cho thực phẩm khác kết dính, vón cục.