Tại anh, tại ả?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - “Điệp khúc” nông sản ùn ứ, ế ẩm, rớt giá, từ lâu đã không còn thu hút sự chú ý của phần lớn dư luận.
Tại anh, tại ả?

Cứ “đến hẹn lại lên”, vài ngày lại nghe tin thanh long, dưa hấu công cắt cao hơn tiền bán đổ bỏ cho bò cũng… không thèm ăn; cả ngàn xe nông sản ùn ứ tại cửa khẩu; thương lái “méo mặt” vì mỗi container lỗ vốn vài chục đến cả trăm triệu đồng…

Người nông dân một nắng hai sương khổ cực, nhọc nhằn mới làm ra được mớ rau, con cá, ai cũng biết chuyện ấy, nhưng chuyện cứ lặp đi lặp lại nhiều quá, nghe nhiều quá, lặp đi lặp lại, hóa ra chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”.

Điều quan trọng nhất dư luận quan tâm, là làm sao giải quyết được vấn đề. Bao nhiêu hội nghị bàn cách tháo gỡ, bao nhiêu cơ quan chức năng có thẩm quyền, đã mang lại hiệu quả gì?

Có ba vấn đề chúng ta cần giải đáp.

Thứ nhất, thị trường Trung Quốc với hàng tỉ dân và tương đối “dễ tính”, vẫn là một trong những thị trường chính của nông sản Việt. Nhưng thị trường bạn bị ảnh hưởng bởi chính sách “zero COVID-19”, rơi vào tình trạng các cửa khẩu đóng mở phập phù. Đó có thể gọi là tình huống “bất khả kháng”. Khi mà nhiều nông sản còn chưa tìm được đường chính ngạch để sang Trung Quốc, thì tình trạng này còn tiếp diễn “dài dài”.

Thứ hai, trách nhiệm, tầm nhìn, các động thái vĩ mô của cơ quan chức năng, như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương… Theo ý kiến chuyên gia, với những việc làm như thiết lập cơ sở hạ tầng thương mại, logicsti, trung tâm giao dịch nông sản, Bộ Công Thương đã không làm hàng chục năm nay dẫn tới ách tắc cửa khẩu lớn như thời gian qua và đang phải giải quyết hậu quả. Chuyên gia Vũ Vinh Phú cho rằng, thực trạng ùn ứ nông sản ở cửa khẩu đã cho thấy sự bị động, lúng túng của cơ quan chức năng, trong đó có trách nhiệm lớn thuộc về Bộ Công Thương, đã không đưa ra được những giải pháp căn cơ mà chỉ có các chỉ đạo mang tính sự vụ.

“Cần phải có một chiến lược về xuất khẩu nông sản, cần phải bỏ trứng vào nhiều giỏ, tìm kiếm thêm các thị trường mới, phải quy hoạch sản xuất gắn liền với thị trường; cần xây dựng các khu ngoại quan ở cửa khẩu, nơi sẽ có cả khu vực hậu cần, sửa chữa, nhà ăn, kho đông lạnh chứ không thể để tình trạng xe nông sản rồng rắn chờ đợi, ăn cơm đứng như chúng ta đã thấy”, ông Phú nói.

Thứ ba, cũng phải nhắc đến trách nhiệm của chính những nông dân. Những người đi chợ, đi siêu thị, phần lớn đều đứng trước tình huống khi mua một trái dưa hấu, đều không thể biết trái dưa sắp mang về nhà sẽ ngọt hay lãng nhách, sẽ dở hay ngon. Từ rất lâu, đứng trước một số loại nông sản trong nước bày bán, ngay bản thân người tiêu dùng trong nước đã ngán ngẩm tình trạng “lượng chứ không chất”. Vậy thì làm sao nông sản có thể ra những thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu… Vậy thì không thể trách những người có điều kiện sẽ tìm đến trái cây nhập ngoại và nông sản Việt thua trắng bụng ngay trên sân nhà.

Đọc thêm