Ngỡ ngàng vì chồng… lấy vợ

(PLO) - Đó là tâm trạng không những của các bà vợ mà còn của cả cơ quan chức năng vì “chuyện đó riêng tư mà hóa ra lại vi phạm pháp luật”!
Ảnh minh họa. Nguồn internet.
Ảnh minh họa. Nguồn internet.
Từ ngạc nhiên đến đi kiện
Mới đây, ở xã Đăk Nhau, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước, chị Phan Thị Thu Thảo đã gửi đơn tố cáo đến các cơ quan chức năng để nhờ can thiệp khi biết chồng mình cưới vợ. 
Do bất đồng quan điểm nên hai vợ chồng chị Thảo thường xuyên cãi vã. Tháng 11/2014, bị chồng đánh, chị Thảo đã ôm con về nhà cha mẹ ruột ở rồi gửi đơn xin ly hôn ra TAND huyện Bù Đăng. 
Tháng 12/2014, Tòa đã thông báo thụ lý hồ sơ, mời hai bên lên làm việc, tuy nhiên do hai bên chưa thống nhất được về số tài sản chung nên vụ án vẫn chưa được Tòa đưa ra xét xử.
Trong thời gian chờ đợi, qua trang mạng xã hội Facebook, chị Thảo bất ngờ biết chồng mình đang chuẩn bị tổ chức đám cưới với người phụ nữ tên Mai ở thị xã Phước Long. Biết việc làm của chồng là vi phạm pháp luật, chị Thảo đã gửi đơn tố cáo đến các cơ quan chức năng nhờ can thiệp.
Ở Hà Nội, năm 2012 cộng đồng cũng đã từng nín thở theo dõi một vụ “ngỡ ngàng vì chồng lấy vợ” tương tự như vậy. Anh Dũng và chị T. đăng ký kết hôn năm 2004. Cả hai sống với nhau được 45 ngày ở nhà anh Dũng thì chị T. bỏ về nhà mẹ đẻ.
Đến cuối năm 2004, chị T. và anh Dũng có chung một cô con gái. Sau đó anh Dũng và chị T. đã sống ly thân do cuộc sống vợ chồng không hợp. 
Năm 2010 chị T. đi du học nước ngoài. Trong thời gian này, anh Dũng quen biết chị H., sau đó hai bên gia đình đã tổ chức đám cưới cho anh Dũng và chị H. mà không có đăng ký kết hôn.
Năm 2012 chị T. về nước mới biết chuyện chồng mình làm đám cưới và đã có con riêng với người đàn bà khác nên đến Công an quận Hoàng Mai, Hà Nội tố cáo anh Dũng vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng.
Ảnh minh họa. Nguồn internet.
Ảnh minh họa. Nguồn internet. 
Chính quyền lúng túng, Tòa chỉ cảnh cáo
Lúng túng đó là tình trạng của chính quyền xã Đăk Nhau và huyện Bù Đăng khi nhận được lá đơn tố cáo của chị Thảo về chuyện chồng chị lấy vợ mới. Công an xã Đăk Nhau thì cho rằng vì người chồng tổ chức đám cưới ở địa bàn khác nên rất khó để xử lý. Công an xã đã chuyển hồ sơ lên huyện để có hướng giải quyết. Về phần mình, Công an huyện Bù Đăng cũng khẳng định sẽ xác minh vụ việc. C
òn theo đại diện chính quyền nơi diễn ra đám cưới thì: “Do lần đầu tiên gặp trường hợp này nên chúng tôi lúng túng, không biết giải quyết ra sao. Chúng tôi sẽ hỏi bên Tư pháp phường để tìm hướng giải quyết rồi mời các bên lên làm việc”.
Với vụ việc ở Hà Nội, ngày 25/4/2013 anh Dũng đã phải đối mặt với phiên tòa xử anh tội “Vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng”. Theo lời chị T. tại phiên tòa sơ thẩm, việc chưa ly hôn mà anh Dũng đã chung sống với người phụ nữ khác như vợ chồng và có con chung đã gây hậu quả nghiêm trọng cho hạnh phúc của gia đình chị. 
Với quan điểm cần xử lý bị cáo bằng pháp luật hình sự nhằm giáo dục bị cáo và răn đe phòng ngừa chung, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, giữ gìn đạo đức gia đình và xã hội, Tòa cấp sơ thẩm đã tuyên phạt anh Dũng mức án 4 tháng tù giam. 
Sau phiên tòa sơ thẩm, anh Dũng đã làm đơn kháng cáo, cho rằng hành vi phạm tội của mình chưa đến mức bị xử lý hình sự. Sau khi xem xét, cấp phúc thẩm tuyên sửa một phần bản án sơ thẩm, chấp nhận một phần đơn kháng án của bị cáo. Theo đó, anh Dũng chỉ bị cảnh cáo.
Tội “vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng” - khó xử vì luật chặt ?
Điều 147 Bộ luật Hình sự Việt Nam quy định tội “Vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng”. Theo điều luật này, có thể truy cứu trách nhiệm hình sự khi hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng gây ra hậu quả nghiêm trọng (làm cho gia đình của một bên hoặc cả hai bên tan vỡ, dẫn đến ly hôn, vợ hoặc chồng, con vì thế mà tự sát...) và có thể xử lý hình sự nếu như người vi phạm đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm. Thế nhưng, để xử lý hình sự được hành vi này là cả một chặng đường không dễ dàng.
Trước hết, nói về điều kiện “đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm”, ở góc độ pháp lý, theo Thông tư liên tịch số 01 ngày 25/9/2001 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, TANDTC, 
VKSNDTC thì việc chung sống như vợ chồng phải được chứng minh bằng việc có con chung, có tài sản chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, đã được gia đình, cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó... 
Thế nhưng trong nhiều vụ việc, rõ mười mươi là vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng nhưng cơ quan chức năng đành bó tay không xử phạt hành chính vì họ không có con chung, tài sản cũng không, cơ quan, láng giềng ai cũng biết đó chỉ là chuyện bồ bịch. Mà chuyện bồ bịch, pháp luật đâu có chế tài. Không có xử phạt hành chính lần một về hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng thì lấy đâu căn cứ để xử lý hình sự?
Theo luật, nếu việc vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng gây hậu quả nghiêm trọng thì sẽ bị xử lý hình sự. Hậu quả nghiêm trọng là làm cho gia đình của một hoặc cả hai bên tan vỡ, ly hôn, vợ hoặc chồng, con vì thế mà tự sát... Nhưng trên thực tế,  đó đâu là sự thể hiện duy nhất về “hậu quả nghiêm trọng” do việc vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng gây ra mà còn rất nhiều vấn đề khác nữa. 
Còn nhớ tại một phiên tòa ly hôn, cả khán phòng đã rúng động khi người phụ nữ có lời đề nghị quý Tòa xử lý hình sự chồng mình vì anh ta đã vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng. Thế nhưng, đáp lại sự mong mỏi của chị, thẩm phán lắc đầu vì không đủ căn cứ truy cứu, dù rằng nguyên nhân khiến vợ chồng họ phải ra tòa ly hôn cũng từ chuyện đó mà ra...

Đọc thêm