Tài nguyên văn hóa

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Cách đây vài ngày, khi dự Hội nghị tuyên dương gương điển hình tiên tiến trong lĩnh vực văn hóa toàn quốc năm 2023 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có nêu nhiệm vụ “tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung thể chế, cơ chế, chính sách phát triển văn hóa phù hợp với bối cảnh, tình hình và điều kiện thực tế Việt Nam”.
Phu nhân Thủ tướng Việt Nam và Singapore trải nghiệm làm tranh ghép vải ở làng lụa Vạn Phúc (Ảnh:Anninhthudo).
Phu nhân Thủ tướng Việt Nam và Singapore trải nghiệm làm tranh ghép vải ở làng lụa Vạn Phúc (Ảnh:Anninhthudo).

Văn hóa là nền tảng tinh thần, nguồn lực nội sinh, động lực đột phá cho sự phát triển. Ở tầm quốc gia, năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định “Phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”.

Chiến lược này đặt mục tiêu đến 2030 phấn đấu doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP. Tuy nhiên đến nay, việc đạt được chỉ tiêu này vẫn còn là một thách thức rất lớn. Công nghiệp văn hóa ở Việt Nam vẫn còn chưa đầy đủ chính sách, hành lang pháp lý để phát triển, trong đó các chính sách về huy động nguồn lực đóng vai trò then chốt.

Vừa qua, nhóm nhạc nữ Black Pink, một trong những “thương hiệu văn hóa” của Hàn Quốc có 2 đêm biểu diễn ở sân vận động Mỹ Đình (Hà Nội) và thành công của họ làm những người quan tâm đến văn hóa phải quan tâm. Cần phải nói, công nghiệp biểu diễn, âm nhạc chỉ là một phần của khái niệm công nghiệp văn hóa.

Thể chế văn hóa rất quan trọng. Bởi đó là nền tảng pháp lý, từ đó mới chuyển hóa các nguồn tài nguyên văn hóa thành “sức mạnh mềm” văn hóa, mới huy động các nguồn lực, mới đào tạo được nguồn nhân lực, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, di sản, di tích lịch sử - văn hóa...

Cách đây 2 ngày, chiều 28/8, bà Lê Thị Bích Trân, Phu nhân Thủ tướng Phạm Minh Chính và bà Ho Ching, Phu nhân Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tới thăm Hợp tác xã Vụn Art (tại phố Lụa, phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, Hà Nội). Sau khi tham quan, trải nghiệm làm tranh vải ghép, hai phu nhân chia sẻ sự trân trọng với các tác phẩm do các thợ thủ công là người khuyết tật của Vụn Art sáng tạo nên.

Câu chuyện cho thấy vấn đề Hợp tác xã Vụn Art là một mô hình sáng tạo, với các sản phẩm vừa có ý nghĩa kinh tế, vừa có ý nghĩa văn hóa. Đồng thời nói lên rằng, tài nguyên văn hóa còn rất tiềm ẩn. Để giải phóng được những tiềm năng đa dạng, cần thể chế văn hóa.