Thưa PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, một số ngành của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và các trường đại học khác, thí sinh đạt đến 29 điểm vẫn trượt. Ông có thấy đây là hiện tượng bất thường hay không?
- Thực ra, nếu chúng ta nhìn nhận theo cách so sánh điểm năm nay với năm khác thì điểm chuẩn như vậy có vẻ như cao quá. Nhưng nếu nhìn nhận theo nguyên tắc của tuyển sinh đại học, tức là tuyển những người có đủ năng lực để vào và mang tính chất lựa chọn thì sẽ thấy rằng chọn từ trên xuống dưới, nếu như có nhiều người ở tốp trên rồi thì những người tốp dưới đương nhiên sẽ bị mất cơ hội. Đây là câu chuyện quy tắc của việc lựa chọn. Sẽ có những khía cạnh khác nhau để nhìn nhận.
Chúng ta thấy rằng, nhìn chung, điểm vào khối sư phạm năm nay đều tăng, không chỉ với Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Lý giải cho điều này có nhiều lý do. Trong đó, những chính sách của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là chính sách về cấp bù học phí và cung cấp sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm đã thu hút số lượng thí sinh đăng ký có vẻ ngày càng đông. Năm nay, theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, số thí sinh đăng ký vào các ngành sư phạm tăng vọt. Chỉ tiêu thì có hạn, trong khi số lượng thí sinh đăng ký tăng mạnh, sẽ chỉ có những bạn tốp trên mới đủ điểm để trúng tuyển. Tôi cho rằng đó cũng là một dấu hiệu tích cực.
Nhiều phụ huynh bức xúc khi thí sinh đạt trên 9,5 điểm mỗi môn vẫn không đỗ đại học theo nguyện vọng yêu thích nhất. Ông có bình luận gì về vấn đề này?
- Đứng từ phía phụ huynh thì băn khoăn, tâm sự như thế là có thật. Tôi hoàn toàn hiểu và chia sẻ với những ý kiến này. Tuy vậy, tôi nghĩ rằng nếu thí sinh đã có điểm cao như thế, các em không trúng tuyển ngành này thì sẽ trúng tuyển ngành khác, bởi hiện nay, thí sinh được đăng ký không hạn chế nguyện vọng. Như vậy, nếu như nguyện vọng cạnh tranh cao nhất không được thì các em sẽ có những nguyện vọng khác. Tôi cho rằng đây cũng là một chuyện bình thường trong cuộc sống, bởi có thể chúng ta đã giỏi nhưng vẫn có bạn khác giỏi hơn và ta phải chấp nhận câu chuyện như vậy.
Liên quan đến câu chuyện các trường đại học sử dụng các phương thức xét tuyển sớm vẫn gây một số tranh luận hiện nay, quan điểm của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội như thế nào, thưa ông?
- Tôi nghĩ cần nhìn nhận vấn đề xét tuyển sớm trên nhiều khía cạnh. Khía cạnh đầu tiên liên quan đến tự chủ của trường đại học. Rõ ràng các trường đại học được tự chủ ở mức độ nhất định trong quá trình tuyển sinh và việc đó tôi nghĩ chúng ta cũng nên tôn trọng. Tuy nhiên, qua thực tế triển khai thời gian vừa qua, có một số ý kiến, đặc biệt là ý kiến từ các trường phổ thông về xét tuyển sớm. Đơn cử, nhiều trường đại học chỉ xét tuyển 5 kỳ học bạ, dẫn đến câu chuyện học sinh không tập trung sâu nữa vào việc học để hoàn thành chương trình phổ thông.
Đây là vấn đề chúng ta đang phải tìm cách để xử lý. Theo tôi, phải có cách thức xử lý hài hòa, vừa để các trường đại học vẫn có cơ hội sử dụng các phương thức xét tuyển khác nhau, bảo đảm đầu vào cho mình nhưng đồng thời cũng phải bảo đảm tuyển sinh đại học không được đi ngược lại với giáo dục phổ thông.
|
PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. (Nguồn: PV) |
Nguyên tắc rất căn bản là các yêu cầu đầu vào của giáo dục đại học chính là các yêu cầu để hướng tới nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông. Nếu như đầu vào của đại học chỉ dành cho đại học, không góp phần vào việc nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông thì cũng không được. Đây là “bài toán” hết sức khó vì liên quan đến nhiều bên.
Năm 2025, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội có điều chỉnh gì trong các phương thức xét tuyển? Ông có lời khuyên gì cho các thí sinh xét tuyển năm 2025, các em có nhất thiết phải đợi đến kỳ thi tốt nghiệp THPT không, hay nên tham gia xét tuyển sớm?
- Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã bắt đầu nghĩ đến việc thực hiện tuyển sinh 2025 từ rất sớm. Đây là năm lứa học sinh đầu tiên theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 xét tuyển đại học, như vậy có thể các tổ hợp phải khác đi đôi chút. Chúng tôi đang phải tính toán phương thức tuyển sinh năm tới, lấy tổ hợp cho từng ngành như thế nào, format của kỳ thi riêng,... Đây là “bài toán” chúng tôi vẫn đang suy nghĩ, nhưng chắc hẳn sẽ có sự điều chỉnh nhất định.
Một lời khuyên cho thí sinh xét tuyển năm tới là các em nên hết sức chú ý những điều chỉnh về mặt chính sách của các trường và của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đến thời điểm này, các trường đại học vẫn lấy một tỷ lệ tương đối lớn chỉ tiêu từ kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Trân trọng cảm ơn PGS.TS Nguyễn Đức Sơn!