Tâm huyết của người đảng viên, trưởng bản trên vùng đất Điện Biên anh hùng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Vị trí địa lý nằm ở cửa ngõ thành phố Điện Biên Phủ, nhưng bản Him Lam 2 đã và đang “nằm sâu” trong trái tim của rất nhiều người dân nơi đây cũng như du khách. Bởi những nụ cười rạng rỡ, ấm áp, bởi những tấm lòng hiếu khách, sẻ chia và cả bởi những sắc váy Thái quyến rũ đến lạ kỳ. Có được thành công này, bên cạnh sự quan tâm của chính quyền, còn có cả sự nỗ lực không ngừng nghỉ của vị trưởng bản, Phó Bí thư Chi bộ mà gia tộc đã có 7 đời gắn bó với nơi đây...
Ông Cù Huy Thước viết sau bức ảnh lưu niệm chụp với gia đình con cháu vị trưởng bản đã từng giúp bộ đội năm xưa.
Ông Cù Huy Thước viết sau bức ảnh lưu niệm chụp với gia đình con cháu vị trưởng bản đã từng giúp bộ đội năm xưa.

Him Lam ngày ấy, bây giờ

Cách đây 70 năm về trước, đúng 8 giờ ngày 13/3/1954, những viên đạn sơn pháo của bộ đội ta bắn vào sân bay Mường Thanh làm hai chiếc máy bay Dakota của quân Pháp vừa hạ cánh bốc cháy. 17 giờ 5 phút cùng ngày, sau hiệu lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, 40 khẩu pháo cỡ nòng 75-120 ly đồng loạt nhả đạn vào các vị trí của quân Pháp trong cứ điểm Him Lam, bộ đội ta xuất kích bắt đầu trận đánh mở màn của Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trận đánh cứ điểm Him Lam kéo dài đến 23 giờ 30 phút ngày 13/3/1954 kết thúc. Đại đoàn 312 đã hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt trung tâm đề kháng cứ điểm Him Lam, diệt 300 tên địch, bắt 200 tên, thu toàn bộ vũ khí, trang bị.

Trang vàng lịch sử ấy, mỗi người dân Him Lam đều không thể nào quên. Sau 70 năm nổ phát súng đầu tiên ấy, giờ đây, “cánh cửa thép” Him Lam đã vươn lên trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Điện Biên Phủ. Nằm ở cửa ngõ của thành phố, dân cư đa số là người Thái sinh sống từ lâu đời, bản Him Lam 2 mang dấu ấn của dân tộc Thái một cách sâu sắc. Trong bản, 96% là nhà sàn mang đậm bản sắc văn hóa của người Thái đen vùng Tây Bắc. Ngày ngày, tiếng Thái và tiếng Kinh là hai ngôn ngữ vang lên đầy thân thương, hòa trộn. Những làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ, trò chơi dân gian, lễ hội truyền thống, trang phục, nghề truyền thống dựa vào sản xuất nông nghiệp, trồng trọt và chăn nuôi... thấm đẫm văn hóa địa phương, khiến cho bản trở thành một trong những “địa chỉ đỏ” để phát triển, bảo tồn, lưu giữ văn hóa.

Bút tích của ông Cù Huy Thước cảm ơn gia đình vị trưởng bản. (Ảnh trong bài: PV)

Bút tích của ông Cù Huy Thước cảm ơn gia đình vị trưởng bản. (Ảnh trong bài: PV)

Bất cứ ai đến đây đều không thể quên những nếp tóc “tằng cẩu” (cách búi tóc của người phụ nữ Thái đã lập gia đình) đen mướt, duyên dáng. Những áo cóm, khăn piêu, xà tích ôm lấy dáng hình ngà ngọc của những phụ nữ Thái quyến rũ đến lạ kỳ. Đứng trên cây cầu treo đầu bản, nơi dòng sông Nậm Rốn chảy qua, vào những buổi chiều, có thể thấy làn khói bếp đang lan tỏa hương vị ẩm thực Thái đặc sắc từ món cá nướng pa pỉnh tộp, xôi ngũ sắc, rêu đá…

Chẳng thế mà, Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam 19/4 vừa qua, bản Him Lam 2 có đại diện xuống Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam ở Hà Nội để cùng đồng bào các dân tộc giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Và để chuẩn bị cho dịp Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ vừa qua cũng như Năm Du lịch quốc gia 2024, bản là một trong những địa chỉ được lựa chọn để tiếp đón du khách.

Vị trưởng bản đời thứ sáu và những ước mong hướng về dân

Thành phố Điện Biên Phủ những ngày đầu tháng 5/2024 nóng như đổ lửa, nhưng không vì thế mà không khí tấp nập chuẩn bị đón ngày đại lễ của dân tộc, của địa phương bớt phần hào hứng. Gạt mồ hôi trên gương mặt, đón phóng viên ở nếp nhà sàn mang đậm bản sắc văn hóa của người Thái đen vùng Tây Bắc, ông Lường Văn Chựa, sinh năm 1965, Phó Bí thư Chi bộ bản Him Lam 2, trưởng bản kể về câu chuyện gia đình, dòng họ ông đã gắn bó với mảnh đất nơi đây.

Đội văn nghệ bản Him Lam 2. (Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh ĐB)

Đội văn nghệ bản Him Lam 2. (Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh ĐB)

“Đời tổ tiên nhà tôi đã lập nghiệp ở đây từ những năm cuối của thế kỷ 19. Theo lời kể của người trước, bản lúc đó có tên là Hin Đăm, theo tiếng Thái có nghĩa là hòn đá đen bên bờ suối. Lâu dần qua thời gian Hin Đăm nói chệch thành Him Lam như ngày nay. Tôi được nghe các cụ kể lại, ngày đó ông Lường Văn Dọn chính là vị trưởng bản đầu tiên có công lập bản, sau đó là con trai ông sinh năm 1894, tức là cụ của tôi cũng nối tiếp trách nhiệm của cha. Đến tôi, dòng họ đã có 6 đời làm trưởng bản”.

Cũng theo ông Lường Văn Chựa, vào những năm Chiến dịch Điện Biên Phủ, gia đình ông với vai trò là đứng đầu bản đã cùng bà con trong bản hết lòng giúp đỡ bộ đội về lương thực, thực phẩm. Ơn nghĩa khắc ghi, ngày 15/5/2014, vào dịp kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, cựu chiến binh Cù Huy Thước khi đó đã 90 tuổi, nguyên là Chính trị viên Đại đội C112 đã không quản ngại khó khăn, tuổi cao, sức yếu tìm đến tận nơi để cảm ơn. “Vài lời gửi trưởng bản Hin Đăm 2: Sau khi kết thúc Chiến dịch Tây Bắc từ cuối 1952 đến ngày địch nhảy dù xuống Điện Biên Phủ 20/11/1953, C112 pháo cối 120 ly (thuộc Đại đoàn 351) ở lại đóng quân tại hai bản Hin Đăm và Ta Pô để xây dựng vùng mới giải phóng và huấn luyện quân sự để sang giúp Lào đánh bọn giặc Pháp. Đơn vị chúng tôi được Nhân dân hai bản yêu quý và hết sức giúp đỡ về lương thực, thực phẩm. Nay 60 năm tôi lên Điện Biên, tôi vẫn nhớ mối tình quý mến đó mãi mãi” - ông Cù Huy Thước viết sau bức ảnh lưu niệm chụp với gia đình con cháu vị trưởng bản đã từng giúp bộ đội năm xưa.

Trong lòng vị trưởng bản Lường Văn Chựa vẫn bề bộn nỗi lo lắng cho dân, đơn cử như cây cầu treo đầu bản đến mùa sương muối lại trơn trượt gây khó khăn cho đi lại.

Trong lòng vị trưởng bản Lường Văn Chựa vẫn bề bộn nỗi lo lắng cho dân, đơn cử như cây cầu treo đầu bản đến mùa sương muối lại trơn trượt gây khó khăn cho đi lại.

Cần biết rằng, Đại đoàn 351 được nhắc đến ở trên được thành lập ngày 29/6/1946 tại Thủ đô Hà Nội và trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại đoàn pháo binh 351 là đơn vị nổ những loạt đạn pháo đầu tiên mở màn cuộc tấn công dữ dội vào Tập đoàn cứ điểm uy lực của thực dân Pháp dưới lòng chảo Điện Biên Phủ. Hiện nay, những hiện vật liên quan đến vị trưởng bản thời đó cũng như các tư liệu về sự giúp đỡ của bà con bản Him Lam 2 dành cho bộ đội trong Chiến dịch Điện Biên Phủ đã được Sở VH,TT&DL tỉnh Điện Biên sưu tầm và gìn giữ.

Hiện nay, bản Him Lam 2 có 265 hộ với gần 1 nghìn nhân khẩu, người dân trong bản một lòng đi theo Đảng, ủng hộ các chính sách, pháp luật của Nhà nước. Khi chính quyền kêu gọi hiến đất để mở rộng đường, nhiều người dân đã không nề hà, ngay lập tức ủng hộ. Ngay từ đầu năm 2024, sau khi có sự vận động của chính quyền thành phố, ngành văn hoá, hàng chục hộ dân trong bản đã sẵn sàng cải tạo lại nhà cửa, sửa chữa, nâng cấp phòng khách thành phòng nghỉ, mua sắm thêm chăn, màn… bảo đảm mọi điều kiện tốt nhất để đón khách đến ăn nghỉ tại bản vào dịp lễ... Ông Lường Văn Chựa cho biết, để tạo ấn tượng tốt nhất cho du khách, bản chú trọng quét dọn vệ sinh làng bản, nhà văn hoá, trồng thêm hoa, cây xanh để tạo cảnh quan môi trường. Cùng với đó là chủ động nguồn thực phẩm sạch, tươi sống để làm các món ăn truyền thống phục vụ du khách.

“Các món ẩm thực chế biến theo phong tục người Thái chúng tôi, du khách đều rất thích, như rau dớn, rau sắng… là các loại rau sạch ở trên rừng. Hoặc như thịt trâu chế biến thành rất nhiều món như thịt sấy, món lạp, nướng tảng… đều say lòng người”, nụ cười tự hào với truyền thống địa phương nở trên môi vị trưởng bản.

Bằng khen của ông Lường Văn Chựa.

Bằng khen của ông Lường Văn Chựa.

Lại nói về vị trưởng bản đời thứ 6 Lường Văn Chựa, vốn là một cán bộ cơ khí công tác trong ngành giao thông ở địa phương, sau khi về nghỉ hưu, ông Chựa đã dành nhiều thời gian và tâm huyết cho sự phát triển của bản làng. Với vai trò là Trưởng bản, Chi ủy viên Chi bộ Đảng bản Him Lam 2 khóa trước và Phó Bí thư Chi bộ khóa này, là người có uy tín trong bản, ông Lường Văn Chựa đã đi đầu làm gương, động viên người dân trong bản nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội cho gia đình, địa phương, tham gia đầy đủ chính sách thuế của Nhà nước, tuân thủ pháp luật, tránh xa tệ nạn. Hiện nay 90% hộ gia đình trong bản có kinh tế ổn định. Trước dịp Lễ kỷ niệm, trao đổi với truyền thông, ông Phạm Hải Hà - Chủ tịch UBND phường Him Lam cho biết, những năm gần đây, nhờ quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc trên địa bàn, đời sống người dân Him Lam ngày càng được nâng lên. Địa phương luôn nhận được sự quan tâm của tỉnh, thành phố và có sự đoàn kết của cấp ủy, chính quyền, Nhân dân các dân tộc trên địa bàn, từ đó đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận như: Hạ tầng được nâng cấp đầu tư về điện, đường, trường, trạm; nhiều khu dân cư mới được mở ra. Hoạt động thương mại của các hộ kinh doanh cá thể được mở rộng, số hộ khá, giàu chiếm hơn 70%, đặc biệt là phường không còn hộ nghèo...

Tại ngôi nhà sàn của ông Lường Văn Chựa treo rất nhiều bằng khen khen thưởng những thành tích cá nhân và tập thể trong công tác Đảng, chính quyền, đoàn thể xây dựng và phát triển bản Him Lam 2, qua đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ như: Bằng khen của Ủy ban MTTQ thành phố Điện Biên cho thành tích xuất sắc trong công tác đại đoàn kết dân tộc giai đoạn 2003 - 2023; Bằng khen Phó Bí thư Chi bộ bản đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2023...

Nhưng khi phóng viên hỏi về các thành tích, vị trưởng bản Lường Văn Chựa chỉ cười và chuyển sang kể về những mối lo lắng của mình như: cây cầu treo đầu bản mỗi năm đến tầm tháng 9, 10 có sương muối, mặt cầu trơn trượt gây khó khăn cho người lớn, trẻ em đi làm, đi học và ước mơ sẽ sớm có một cây cầu cứng vững chắc, an toàn hơn; kinh tế tại địa phương cần phát triển hơn nữa để thanh niên không phải ly hương kiếm sống, bỏ lại những đứa trẻ cho ông bà chăm nom, dạy dỗ...

“Là trưởng bản, tôi đã nhiều lần tiếp giáo viên của những đứa trẻ ở với ông bà, xa bố mẹ nên bọn trẻ mải vui ngoài xã hội, chểnh mảng học hành. Tôi lo lắng lắm cho tương lai của chúng. Giá như kinh tế tại chỗ tốt hơn, để bố mẹ chúng không phải đi xa như vậy...” - ông Chựa bày tỏ.

Đọc thêm