“Tạm nhập tái xuất xăng dầu là buôn lậu công khai”

“TNTX xăng dầu quả là  một sáng kiến kỳ lạ chưa hề xẩy ra từ cổ chí kim, từ đông sang tây, chỉ có thể xảy ra ở Việt Nam mà thôi, đã vi phạm thô bạo ngay từ khái niệm cơ bản của loại hình này. Việc cho phép một vài công ty qua mặt Hải quan, hay nói rõ hơn, ở Việt Nam đã xuất hiện và tồn tại khá lâu một loại hình buôn lậu công khai và hợp pháp! ( WCO định nghĩa buôn lậu là qua mắt Hải quan và trốn thuế)”, ông  Trần Nguyên Chẩn - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học Hải quan, kiêm Giám đốc Trung tâm phân tích phân loại hàng hóa xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan bình luận.

 Một trong những nội dung được đề cập đến tại cuộc họp của Hội đồng tư vấn cải cách Thủ tục hành chính do Văn phòng Chính phủ tổ chức  hôm 22/5 là các vấn đề về thủ tục, quy định liên quan đến hàng hoá tạm nhập tái xuất (TNTX) và tạm xuất tái nhập (TXTN).

Tại cuộc họp này, ông  Trần Nguyên Chẩn - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học Hải quan, kiêm Giám đốc Trung tâm phân tích phân loại hàng hóa xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan lại lên tiếng về vấn đề TNTX xăng dầu. 

 

Liên quan đến vấn đề này, Báo Pháp luật Việt Nam  đã có bài đề cập hồi tháng 10/2011. Ông Chẩn lưu ý định nghĩa của công ước Kyoto: “Tạm nhập  là thủ tục Hải quan đối với hàng hoá nhất định, được đưa vào lãnh thổ Hải quan có điều kiện, được miễn hoàn toàn hoặc một phần thuế nhập khẩu, hàng hoá đó phải được nhập khẩu với một mục đích cụ thể  và phải được dự định tái xuất trong một thời gian nhất định, mà không được thay đổi  nào, ngoại trừ hao mòn bình thường do việc sử dụng  chúng".

“Đây là định nghĩa chính  thức và chuẩn mực  của công ước  Kyoto  về TNTX. Theo dõi những diễn biến về TNTX xăng dầu vừa qua, tôi thấy việc làm này đã vi phạm công ước mà nhà nước ta đã cam kết. Người ta giải thích một cách vô trách nhiệm rằng Điều 22, Chương I của Phụ lục riêng ( Specific Annex) này chỉ là khuyến cáo của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) nên không bắt buộc thực  hiện. Đúng là phán" kiểu thày bói xem voi," vì cả công ước Kyoto sửa đổi  là một văn bản hoàn thiện, phải xem hết mới hiểu được đày đủ tinh thần và nội dung của nó, chứ không thể nói một điều rồi phán bừa….”- ông Chẩn nói.

Theo vị chuyên gia này, Điều 22 tuy có ghi là khuyến cáo thật, nhưng 10 loại hàng hoá được nêu làm ví dụ đã  thoả mãn  hoàn toàn và đầy đủ  những chuẩn mực  của công ước Kyoto: đó là việc tạm nhập và việc tái xuất được tiến hành tại hai lãnh thổ Hải quan khác nhau; nó không có mục đích  buôn bán để kiếm lời nên công ước  đã cho miễn thuế; nó được tái xuất sau khi hoàn thành mục đích; nó bảo đảm không thay đổi về hình dáng, kích thước, ngoại trừ hao mòn  do việc sử dụng chúng.

“Trong cả 10 trường hợp cụ thể khác nhau, không có khoản nào dành cho TNTX xăng dầu, nhưng nghiên cứu kỹ 10 loại hàng hoá này, ta thấy chúng  hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại, không sinh lời, chính vì lẽ trên mà tập quán quốc tế đều cho miễn thuế”- ông Chẩn lưu ý.

Cụ thể hơn, ông Chẩn phân tích việc TNTX xăng dầu của Việt Nam đã vi phạm Công ước KYOTO như sau: việc hút xăng từ tàu chở dầu vào các bồn xăng tại cảng, tại sân bay là vi phạm lần 1 Công ước Kyoto (không được có thay đổi nào về cấu trúc, hình dáng, kích thước); việc chia lẻ số xăng dầu có trong bồn vào các xe Xtec chở xăng dầu là vi phạm lần 2 về thay đổi cấi trúc; việc bán xăng dầu cho máy bay và tàu thuỷ xuất nhập cảnh trên lãnh thổ hảỉ quan Việt nam để lấy ngoại tệ và kiếm lời chỉ diễn ra trên một lãnh thổ hải quan Việt Nam là vi phạm thô bạo những chuẩn mực do Công ước Kyoto quy định.

“TNTX xăng dầu quả là  một sáng kiến kỳ lạ chưa hề xẩy ra từ cổ chí kim, từ đông sang tây, chỉ có thể xảy ra ở Việt Nam mà thôi, đã vi phạm thô bạo ngay từ khái niệm cơ bản của loại hình này. Việc cho phép một vài công ty qua mặt Hải quan, hay nói rõ hơn, ở Việt Nam đã xuất hiện và tồn tại khá lâu một loại hình buôn lậu công khai và hợp pháp! ( WCO định nghĩa buôn lậu là qua mắt Hải quan và trốn thuế)”- ông Chẩn bình luận.

Theo Điều 2 quy chế kinh doanh TNTX xăng dầu do Bộ Công thương ban hành theo Quyết định số 01/2008/QĐ-BCT ngày 3/1/2008 thì “TNTX xăng dầu là việc thương nhân Việt Nam  làm thủ tục nhập khẩu xăng dầu vào Việt Nam và làm thủ tục xuất khẩu xăng dầu ra khỏi Việt Nam hoặc bán cho thương nhân thuộc các khu vực hải quan riêng trên lãnh thổ Việt Nam  như khu chế xuất, DN chế xuất, khu bảo thuế, khu thương mại - công nghiệp và các khu vực kinh tế khác được thành lập theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ trong đó quy định quan hệ mua bán trao đổi hàng hoá giữa các khu vực này với nội địa là quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu, trừ trường hợp Thủ tướng Chính phủ có quy định khác”.

Theo ông Chẩn, quy định này là vi phạm khái nhiệm cơ bản về TNTX của WCO. “Vậy  số lãi khổng lồ  do trốn " thuế xăng dầu" này đã được ăn chia  như thế nào ?”- vị chuyên gia này đặt dầu hỏi.

Tại cuộc họp này, ông Nguyễn Đức Dũng Phó giám đốc Trung tâm tư vấn và dịch vụ Hải quan của VCCI, trưởng nhóm công tác hải quan của Hội đồng tư vấn cũng nêu lên thực trạng của việc TNTX, TXTN ở Việt Nam. Ông Dũng cho biết, mỗi loại hình TNTX, TXTN đều được điều chỉnh bằng một chính sách riêng nên Việt Nam đang tồn tại rất nhiều các văn bản pháp luật liên quan, nhiều văn bản chồng chéo làm cho các nhà quản lý và các DN rất khó nắm bắt và thực thi đầy đủ quyền và nghĩa vụ theo đúng pháp luật.

Cụ thể, cơ quan quản lý không kiểm soát được TNTX, thất thu thuế, môi trường ô nhiễm, dễ phát sinh tiêu. Nhằm mục đích đơn giản hoá thủ tục Hải quan cho loại hình này, ông Dũng đề xuất Việt Nam cần sớm tham gia Công ước Istanbul, công ước này bao quát hết các loại hàng hoá tạm nhập thông dụng và chuẩn hoá thủ tục bằng việc sử dụng một chứng từ chung cho những hàng hoá đã được quy định trong công ước. Trong công ước này cũng đề cập nhiều nhóm hàng hoá TNTX, TXTN. Tuy nhiên trao đổi với Pháp luật Việt Nam, ông Dũng cho biết, công ước này cũng không có hàng hoá TNTX là xăng dầu như Việt Nam.

Thanh Thanh

Đọc thêm