Tầm nhìn chiến lược với quy hoạch TP HCM

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Cho đến nay, hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước đều đã có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch mỗi địa phương đều phải đạt yêu cầu bảo đảm đồng bộ, thống nhất với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

So với các tỉnh, thành, thì Thủ đô Hà Nội và TP HCM có vị trí đặc biệt quan trọng. Vì vậy với TP HCM, mới đây Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo 269/TB-VPCP ngày 22/6/2024 kết luận của Thường trực Chính phủ về quy hoạch thời kỳ nêu trên.

Thông báo nêu, UBND TP HCM khẩn trương rà soát, hoàn thiện quy hoạch TP với một số lưu ý sau. Nội dung quy hoạch cần định hướng kiến tạo phát triển, có tính mở; tư tưởng hiện đại, có tầm nhìn chiến lược, đổi mới sáng tạo; đột phá về cơ chế, chính sách, hạ tầng, nguồn nhân lực; không cầu toàn, nóng vội; quy hoạch theo lộ trình. Tận dụng tối đa các cơ hội, hóa giải những thách thức (thể chế, sập lún, ngập lụt, ùn tắc giao thông); xác định rõ “điểm nghẽn”, nguyên nhân dẫn đến hạn chế sự phát triển trong thời gian qua để có giải pháp phù hợp, triển khai hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ xác định tại quy hoạch TP.

Quy hoạch bảo đảm tính chiến lược, lâu dài, toàn diện; định hướng phân bổ nguồn lực phân kỳ đầu tư, ưu tiên trọng tâm trọng điểm, xác định dự án có tính đột phá và tạo động lực cho sự phát triển của TP. Khai thác tối đa không gian ngầm; không gian nước; ưu tiên vị trí không gian có tiềm năng, hiệu quả để quy hoạch phát triển dịch vụ, du lịch, sản xuất kinh doanh; thúc đẩy công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí; tận dụng xu hướng phát triển xanh, thông minh, hiện đại để thu hút các nhà đầu tư chiến lược, nguồn lực chất lượng cao.

Về phát triển đô thị, bảo đảm đô thị hóa gắn với thúc đẩy phát triển nông thôn; nghiên cứu mô hình, cấu trúc phát triển "làng trong phố, phố trong làng" phù hợp với giai đoạn phát triển xanh và các huyện ngoại thành.

Về phương án phát triển các ngành, lĩnh vực: tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp mô hình khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ; nghiên cứu kỹ việc quy hoạch sông Sài Gòn để phát triển du lịch kết hợp bảo đảm an ninh nguồn nước; chú trọng thu hút các dự án đầu tư bảo đảm đầy đủ cả 3 yếu tố công nghệ tiên tiến, bảo vệ môi trường và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao.

Về phương án phát triển kết cấu hạ tầng, chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng giao thông bảo đảm kết nối thông suốt. Giải quyết các vấn đề về ùn tắc giao thông, ngập úng, ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm không khí.

Đẩy mạnh, tăng cường nguồn lực từ hợp tác công - tư, xã hội hóa; tập trung khai thác các nguồn lực đất đai, tài nguyên, con người, lấy con người làm chủ thể trung tâm để phát triển.

Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, các Nghị quyết của Bộ Chính trị về vùng, địa phương đặt ra yêu cầu các địa phương phải nhận thức đúng tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh và bảo đảm tính chiến lược, lâu dài, toàn diện.

Quy hoạch bao giờ cũng phải đi trước; quản lý, thực hiện tốt quy hoạch được duyệt mới khai thác được tiềm năng, thế mạnh. TP HCM là đô thị lớn bậc nhất cả nước, vì vậy các nội dung quy hoạch càng phải cẩn trọng, đúng đắn, có tầm nhìn; nên kết luận của Thường trực Chính phủ như nêu trên là rất đúng đắn, chính xác.

Đọc thêm