Tầm nhìn đường sắt tốc độ cao

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo Kết luận 49-KL/TW ngày 28/2/2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến 2030, tầm nhìn 2045; đặt mục tiêu đến 2025 hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao (ĐSTĐC) Bắc - Nam và khởi công trước 2030. Các đoạn ĐSTĐC Hà Nội - Vinh và TP HCM - Nha Trang được ưu tiên khởi công trong giai đoạn 2026 - 2030; phấn đấu hoàn thành toàn tuyến ĐSTĐC Bắc - Nam trước 2045.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Xây dựng ĐSTĐC Bắc - Nam như vậy rõ ràng là điều không cần phải bàn luận thêm. Và tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo xây dựng, thực hiện đề án chủ trương đầu tư ĐSTĐC trên trục Bắc - Nam và các dự án đường sắt quan trọng quốc gia, tổ chức mới đây, một số vấn đề tiếp theo cũng đã được đặt ra.

Bộ GTVT đề xuất đường sắt tốc độ 350km/h chở hành khách và vận tải hàng hóa khi có nhu cầu, còn tuyến hiện hữu chuyển hết sang chở hàng. Theo một chuyên gia tham dự cuộc họp, ngoài mục tiêu vận tải hành khách, tuyến ĐSTĐC phải tăng thị phần vận tải hàng hóa đường dài và liên thông với các tuyến đường sắt quốc tế. Như vậy mới giảm chi phí logistics - khâu trung gian đưa hàng hóa.

Vận tải đường thủy nội địa, đường biển có ưu thế về chi phí, nhưng thời gian kéo dài, bốc dỡ nhiều lần. Bởi vậy đây là cơ hội lớn để ngành đường sắt tăng thị phần vận tải hàng hóa đường dài, tạo năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế, chuyên gia này phân tích.

Tuy nhiên, đề xuất nêu trên từng được Bộ KH&ĐT góp ý "trên thế giới hiện nay chưa có tuyến đường sắt tốc độ thiết kế 350km/h có thể vận tải hỗn hợp hành khách và hàng hóa". Còn vấn đề nữa, nếu đưa toàn bộ tuyến đường sắt hiện hữu chỉ phục vụ chạy tàu hàng, thì có phù hợp hay không?

Tại cuộc họp, lắng nghe các ý kiến, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà kết luận một quốc gia công nghiệp hóa, hiện đại hóa cần phát triển ĐSTĐC để giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT tiếp thu, giải trình, làm rõ các ý kiến. Từ đó, Bộ GTVT hoàn thiện phương án đầu tư các tuyến ĐSTĐC bảo đảm đồng bộ, thống nhất quy chuẩn, tiêu chuẩn từ thiết kế, hạ tầng, phương tiện, hệ thống thông tin, điều hành.

"Phải giữ lại các nhà ga trung tâm ở đô thị lớn mang tính biểu tượng, đồng thời bảo đảm hành lang an toàn bằng cách kết hợp với tuyến đi trên cao, đi ngầm", Phó Thủ tướng lưu ý và yêu cầu Bộ GTVT tìm hiểu kinh nghiệm vận hành ĐSTĐC kết hợp vận tải hành khách với hàng hóa trên thế giới; làm rõ phương án huy động nguồn vốn, phân kỳ đầu tư, mô hình tổ chức bộ máy quản lý, vận hành.

Thực tế trên thế giới cho thấy các dự án đường sắt quan trọng quốc gia có quy mô lớn, tiêu chuẩn kỹ thuật phức tạp, đi qua nhiều địa phương; phải tốn rất nhiều thời gian tiền của; nên cần xem xét cẩn trọng. Có tầm nhìn dài hạn, học hỏi kinh nghiệm các nước trên thế giới, ĐSTĐC sẽ không chỉ mang lại hiệu quả lớn về mặt kinh tế, mà còn là tài sản cho các thế hệ sau.

Đọc thêm