Tam Nông - Phú Thọ, biết sai nhưng không sửa

Để vụ việc kéo dài, không giải quyết triệt để, không những đối phó với chỉ đạo của cấp trên mà đây rõ ràng là một sự coi thường dư luận, bấp chấp kỷ cương luật pháp, cần xử lý nghiêm...

Năm 1971, ông Kiều Công Tín là cán bộ cửa hàng dược phẩm Tam Nông, khi về hưu ông xin cấp đất tại xã Hương Nộn và được xã cắm thổ cư. Từ đó, ông làm nhà và cùng gia đình sống tại mảnh đất này.

Năm 1979, khi đường dây điện cao thế 10KV được kéo qua phần đất, ông đã tự lùi nhà vào 7 m, chấp hành nghiêm về quy định hành lang lưới điện mà không có đền bù gì. Năm 1986, UBND xã đã cấp phần đất mà ông đã lùi nhà vào cho một người khác là ông Đặng Công Trường, sau đó, ông Trường được cấp sổ đỏ ngay dưới hành lang an toàn đường điện vào năm 1994.

Thấy vô lý, ông Tín đã tố cáo và năm 2002, UBND huyện sau khi giao cho Phòng địa chính xem xét sự việc, trong báo cáo với UBND tỉnh Phú Thọ đã thừa nhận việc tố cáo của ông Tín là có thực và xin ý kiến chỉ đạo giải quyết của tỉnh giải quyết vụ việc này.

Ngày 27 tháng 3 năm 2002, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ ra văn bản chỉ đạo: “Việc Chủ tịch UBND xã Hương Nộn cấp đất thuộc hành lang lưới điện cao thế cho ông Đặng Công Trường và việc UBND huyện Tam Thanh (cũ) cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Trường sai quy định, phải được kiểm điểm xử lý nghiêm theo pháp luật.  

UBND huyện Tam Nông ban hành quyết định thu hồi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 0116576 của ông Đặng Công Trường vì đất ở ông Trường đang sử dụng vi phạm hành lang lưới điện cao thế và cấp trái thẩm quyền.

UBND huyện cấp đất di chuyển cho ông Đặng Công Trường, xã định mức thiệt hại do phải giải phóng mặt bằng theo đơn giá hiện hành, trình UBND tỉnh xem xét cho ý kiến. Sau khi đền bù thiệt hại cho ông Trường, UBND huyện ban hành quyết định thu hồi đất ở hiện nay của ông Trường, động viên ông Trường tự tháo dỡ nhà cửa, vật kiến trúc có trên đất trả lại an toàn hành lang lưới điện, nếu ông Trường không tự tháo dỡ thì UBND huyện ban hành quyết định cưỡng chế nhà đất của ông Trường, mọi chi phí cưỡng chế do ông Trường phải trả”.

Như vậy, hướng giải quyết và xử lý đã rõ ràng, cụ thể đến từng bước tiến hành. Tuy nhiên, suốt từ năm 2002 đến nay, UBND huyện Tam Nông vẫn dậm chân tại chỗ trong việc xử lý vụ việc này. Ông Kiều Công Tín vì tuổi cao đã mất không thể chờ để  thấy pháp luật được thực thi, con gái của ông là vợ chồng bà Kiều Thị Tâm – người thừa kế hợp pháp lại tiếp tục thay cha khiếu nại và tố cáo.

Năm 2010, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ có công văn nhắc nhở UBND huyện Tam Nông giải quyết triệt để vụ việc trên. Sau những động tác khởi động, gọi hai gia đình lên để “hòa giải, thương lượng” rồi kết cục lại vẫn để việc vi phạm pháp luật tồn tại một cách trắng trợn, phớt lờ chỉ đạo từ Chủ tịch UBND tỉnh. 

Đây là hậu quả từ việc làm trái pháp luật của chính quyền mà lại trút hậu quả đó cho người dân phải gánh chịu, làm gì có việc hòa giải trong dân do việc làm sai trái của chính quyền gây ra?

Để vụ việc kéo dài, không giải quyết triệt để, không những đối phó với chỉ đạo của cấp trên mà đây rõ ràng là một sự coi thường dư luận, bấp chấp kỷ cương luật pháp, cần xử lý nghiêm như tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch tỉnh Phú Thọ từ 10 năm trước.

Bình Sơn

Đọc thêm