“Tam nông” thời kỳ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Một trong các nghị sự quan trọng của Hội nghị Trung ương 5 đang họp tại Hà Nội là Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
“Tam nông” thời kỳ

15 năm qua, nông nghiệp, nông thôn, nông dân hay còn gọi tắt là “tam nông”, thu được nhiều thành tựu quan trọng. Điều dễ nhận thấy là qua thực hiện chương “tam nông” gắn với xây dựng nông thôn mới; kinh tế - xã hội ở các làng quê vùng nông thôn tiếp tục phát triển. Trong sản xuất nông nghiệp, cơ cấu kinh tế tiếp tục có chuyển biến tích cực theo đúng định hướng; nông nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa; năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm và hiệu quả sản xuất nông nghiệp được nâng lên, nhất là các sản phẩm nông - lâm - thủy sản đặc trưng và có lợi thế vùng, miền được phát huy.

Bộ mặt nông thôn, kể cả vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có nhiều khởi sắc. Hạ tầng phục vụ sản xuất, dân sinh (giao thông, thủy lợi, điện, các công trình trường học, nhà văn hóa...) được quan tâm đầu tư. Văn hóa xã hội ngày càng tiến độ, phúc lợi xã hội và an sinh xã hội được bảo đảm tốt hơn; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tiếp tục cải thiện... Con đường từ đô thị về nông thôn “gần” hơn, bớt “khoảng cách” hơn.

Thành tựu không thể phủ nhận, nhưng còn đó biết bao nỗi lo. Nông nghiệp phát triển còn thiếu bền vững, kinh tế tập thể, hợp tác xã chậm phát triển; nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao chưa trở thành động lực chính để tạo đột phá phát triển; thu hút đầu tư cho phát triển công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn gặp nhiều khó khăn; cơ giới hóa chưa đồng bộ, công nghiệp cơ khí, công nghiệp chế biến nông sản phát triển còn chậm.

Bên cạnh đó, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn chưa đạt yêu cầu. Lao động nông thôn có xu hướng già hóa, năng suất lao động còn thấp. Thu nhập của phần lớn nông dân chưa cao, chênh lệch với thành thị và giữa các vùng, miền còn lớn; tỉ lệ hộ nghèo ở nông thôn còn nhiều, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Xây dựng nông thôn mới chưa đồng đều, nhiều nơi chưa chú trọng đúng mức tới phát triển sản xuất, tạo sinh kế cho người dân; xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ môi trường; mức đạt tiêu chí nông thôn mới ở những vùng khó khăn còn thấp; nhiều vấn đề xã hội phát sinh, gây bức xúc trong nhân dân; ô nhiễm môi trường nông thôn gia tăng ở nhiều địa phương. Năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu còn yếu; phòng, chống thiên tai, dịch bệnh chưa đáp ứng yêu cầu.

Câu chuyện liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm còn nguyên đó nỗi lo. Câu chuyện “được mùa, rớt giá”, “giải cứu” nông sản gần như năm nào cũng xuất hiện.

Nông nghiệp, nông thôn, nông dân Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sẽ như thế nào? Rõ ràng phải có cách tiếp cận mới, đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới.

Đọc thêm