Tâm sự của những thí sinh thi đại học nhiều lần

(PLVN) -  Không phải là những thí sinh thi trượt tốt nghiệp THPT hoặc có thành tích học tập kém, nhưng không ít em đã thi lại đại học vài năm liên tiếp.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Anh Nhi)

Càng thi càng áp lực

Tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2021 là 98.6%, tỷ lệ tốt nghiệp năm 2022 là 98.57%, trong đó thí sinh hệ THPT đỗ tốt nghiệp là hơn 99.16%, số lượng thí sinh bị điểm liệt dao động khoảng hơn 1.000 em. Tuy nhiên, năm nào lượng thí sinh tự do cũng tương đối cao, như trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2023, có hơn 37 nghìn thí sinh tự do trên cả nước, chiếm 3.69% tổng số hồ sơ đăng ký dự thi.

Thực tế, có rất nhiều thí sinh không phải bị điểm liệt hay bỏ thi vào các năm trước nhưng vẫn tham gia thi lại. Nhiều em đã “kiên trì” suốt vài năm với hy vọng đỗ được vào nguyện vọng 1, thường là những trường top đầu với điểm số tương đối cao, như Đại học Ngoại thương, Đại học Kinh tế Quốc dân, Học viện Cảnh sát… Nhiều em sinh năm 2000, 2002, 2003 thậm chí cả những người sinh năm 1999, 1998 vẫn liên tục thi lại. Trong đó, có không ít em vì “bận” thi mà chưa bao giờ vào đại học dù đủ điểm đỗ.

Như N.T. L (21 tuổi, sống tại Thanh Hóa) cho biết, em đã thi THPT quốc gia trong suốt ba năm liên tiếp để có thể đỗ được vào ngôi trường Đại học Ngoại thương. Tuy nhiên, càng thi, điểm chuẩn càng tăng và điểm thi của em càng thụt lùi so với những em khóa sau: “Cứ mỗi lần thi lại, em đều nghĩ mình đã nắm chắc kiến thức, thì điểm sẽ cao hơn năm trước. Tuy nhiên, do chủ quan, lại không có bạn bè trong lớp cùng học như hồi cấp ba, nên em đuối dần và điểm lần nào cũng thấp hơn điểm chuẩn của trường”. Sau kỳ thi năm 2022, em đã quyết định học ở một nơi phù hợp và không muốn thi lại nữa.

Trường hợp H.M.L (22 tuổi, sống ở Hà Nội) lại khác. Năm 2023, em vẫn quyết định thi lại để đỗ được vào ngôi trường Đại học Thương mại. Tính cả năm nay, H.M.L đã có 4 năm liên tiếp thi đại học. Với mong muốn vào được ngôi trường mơ ước, em đã nói dối bố mẹ là mình đi học nhưng cả năm vẫn dành thời gian ở trung tâm luyện thi để ôn tập: “Trước hôm đến làm thủ tục dự thi, em khóc suốt, vì sợ. Em sợ cảm giác hy vọng rồi lại thất vọng. Mỗi lần thi, em đã hy sinh quá nhiều, bằng tuổi em, các bạn đã chuẩn bị ra trường hết rồi”.

Với tâm lý “có công mài sắt, có ngày nên kim”, không ít thí sinh đã dành cả “tuổi thanh xuân” chỉ để ôn tập và thi lại vào các trường đại học top đầu. Nhiều em được gia đình ủng hộ, nhưng nhiều em trốn bố mẹ để đi thi.

Với sự thay đổi của những phương thức xét tuyển đại học trong vài năm trở lại đây và đại dịch COVID-19 diễn ra vào thời gian trước, những thí sinh này đang gặp nhiều khó khăn hơn. Đặc biệt, hiện nay, rất nhiều em vẫn chỉ quen với phương thức xét tuyển cũ, không đủ khả năng để học thêm những chứng chỉ Tiếng Anh để tuyển thẳng vào một số trường.

Cần xây dựng mục tiêu và kế hoạch phù hợp

Mặc dù chưa thi xong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2023, nhưng không loại trừ khả năng sẽ tái diễn hiện tượng thí sinh dự định thi lại vào năm 2024. Lý do vì các em xét thấy lực học không đủ để hoàn thành tốt các môn thi như mong đợi. Tuy nhiên, thi lại hay không, đang là một băn khoăn rất lớn.

Theo dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT 2025, học sinh thi 4 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn. Các môn bắt buộc: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Lịch sử. Các môn học tự chọn ở bậc THPT gồm: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật, Tin học - Công nghệ.

Năm sau (2024) là năm cuối cùng thi theo chương trình cũ, được dự đoán là sẽ có số lượng thí sinh tự do tăng vọt nên tỷ lệ cạnh tranh vào những trường top đầu sẽ lại tiếp tục tăng lên. Hơn nữa, năm 2024, nếu như tiếp tục “trượt” và dự thi vào các năm tiếp theo, những thí sinh này sẽ phải học lại toàn bộ chương trình cấp ba.

Kiến thức thì có thể ôn lại được, nhưng tâm lý của những thí sinh đã thi hai, ba lần kỳ thi THPT quốc gia thì cần phải được chú ý rất nhiều. Với việc thi lại THPT quốc gia liên tục để đỗ vào các trường đại học top đầu, ở mức điểm chuẩn dao động từ khoảng 26 đến 28, 29 điểm, thì các em phải chuẩn bị một tâm lý rất tốt, để có thể vừa vượt qua được cú sốc sau khi trượt nguyện vọng, cũng như bỏ ngoài tai những định kiến của xã hội. Đặc biệt là nỗi lo lắng về độ tuổi của mình, chỉ có như vậy, các em mới không bị khủng hoảng tinh thần.

Như chuyên gia tâm lý Lê Khan - Giám đốc Chuyên môn Trung Tâm GDĐB Diệp Quang - Chợ Mới (An Giang) từng chia sẻ với báo chí, truyền thông, nguyên nhân đầu tiên dẫn đến suy sụp chính là sự thiếu tự tin vào bản thân, thiếu khả năng làm chủ cảm xúc và đôi khi, sau thời gian tập trung ôn thi, đã không chú ý đến việc bảo vệ sức khỏe để đến ngày thi lại không còn sức lực.

Ngược lại, cũng có những thí sinh quá tự tin vào năng lực, kiến thức của mình, tự đặt ra những kỳ vọng khi thi, cho rằng chắc chắn mình phải thi đậu với thứ hạng cao mà quên mất các kỹ thuật thi theo hình thức trắc nghiệm, không biết phân phối thời gian, khi thất bại thì lại rơi xuống hố sâu tuyệt vọng vì bất mãn với chính mình.

Chia sẻ với phóng viên, cô giáo Nguyễn Thị Thu Huyền, giáo viên Trường THPT Hoàng Mai (Hà Nội) nhận định, mỗi năm, hình thức thi, dạng đề thi lại thay đổi, sau một đến vài năm, những kiến thức THPT của các em thi lại cũng đã vơi đi rất nhiều, việc ôn lại tập sẽ vất vả hơn. Các thí sinh thi lại thời gian đầu có thể có ý chí, nhưng do lâu dần không có sự “thúc giục” của thầy cô và bạn bè đồng hành nên dẫn đến tâm lí lơ là, dần dần sẽ chán nản. Chính vì vậy, xác định thi lại, các em phải xây dựng một kế hoạch học tập và nghỉ ngơi sao cho hợp lý. Đồng thời, các em cũng cần phải nhờ sự trợ giúp, tư vấn của thầy cô, gia đình để có định hướng rõ ràng, tránh bị mơ hồ dẫn đến thiếu mục tiêu để cố gắng.

Đọc thêm