Tâm thư ở Viện K và khiếu nại của dân

(PLO) - Một bức tâm thư ngỏ gửi Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng viết về tình trạng giao thông nguy hiểm của người đi bộ trước cổng Viện K, Thanh Trì, Hà Nội.
Ảnh minh họa
Ngay lập tức Bộ trưởng đã đáp lời, không bằng thư hay lời nói mà bằng hành động cụ thể. Bộ trưởng đã cử người thị sát hiện trường và làm việc với Hà Nội, ngay trong đêm tiến hành kẻ vạch, dọn dẹp điều tiết giao thông để bớt nguy hiểm cho người sang đường. Sắp tới sẽ có một cái cầu vượt dành cho người đi bộ ở đây. Đúng như mong mỏi của người viết thư, một cái cầu vượt “tạm ứng” sắp thành hiện thực.
Bộ trưởng Đinh La Thăng một lần nữa lại “lấy điểm” trong con mắt đánh giá của người dân vì những việc “vụn vặt” mà ông từng bị chỉ trích. Giá như việc nào cũng được như việc này, đáp ứng kịp thời những mong mỏi của dân, dù là việc nhỏ, thì xã hội ta tốt đẹp thêm bao nhiêu!
Cũng trong ngày xảy ra sự kiện này, tại TP.HCM, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với chính quyền địa phương, trực tiếp giải quyết một số vụ khiếu kiện kéo dài tại đây và các địa phương lân cận. 
Việc này cần thời gian, song khi đã có chỉ đạo trực tiếp, sát sao của Ủy viên Bộ Chính trị Phó Thủ tướng Chính phủ hẳn là những khiếu nại này sẽ được giải quyết rốt ráo. Còn nhớ, cách đây vài năm, Bí thư Thành ủy TP.HCM cũng trực tiếp giải quyết vài vụ khiếu nại dai dẳng hàng chục năm, nhưng khi ông “ra tay” thì sau 2 giờ đồng hồ, việc đó đã xong.
Việc khiếu nại kéo dài hoặc đông người đã trở thành “căn bệnh” trầm kha của xã hội ta. Có rất nhiều nguyên nhân, nhưng một trong những nguyên nhân cơ bản là thái độ bất hợp tác của chính quyền địa phương. Hoặc, có giải quyết chỉ là lấy lệ, đùn đẩy lẫn nhau, thậm chí tránh mặt, không tiếp dân. Chính việc giải quyết chiếu lệ và có cả sự vô cảm của cán bộ nữa nên xảy ra tình trạng khiếu nại vượt cấp, đông người. Điều này chứng tỏ dân đã mất niềm tin vào chính quyền địa phương. 
Ở phía ngược lại, các cơ quan trung ương giải quyết khiếu kiện thì không trực tiếp mà lại “đá lại” cho địa phương. Cái vòng luẩn quẩn đó khiến các vụ khiếu kiện dằng dai và không ai biết được bao giờ thì nó kết thúc. 
Điều đáng phải đặt câu hỏi là đối với các địa phương để xảy ra tình trạng đó vì sao không bị hề hấn gì, cán bộ lãnh đạo vẫn lên lương, lên chức và yên tâm với sự “cống hiến” của mình.
Một lá tâm thư đã không chìm vào im lặng mà được đáp ứng ngay. Khiếu nại của dân giải quyết ở cấp huyện mà Phó Thủ tướng phải đích thân giải quyết. Đó là một nghịch lý, ai cũng nhìn ra nhưng không ai tìm cách khắc phục nó cả!

Đọc thêm