Bà Lai lấy chồng từ năm 18 tuổi, đến năm 30 ông bà có với nhau 5 mụn con. Cuộc sống của bà con dân tộc rất khó khăn, gia đình bà Lai cũng không ngoại lệ. Gia đình bà chỉ nhờ vào nương ngô, đồng lúa sống qua ngày. Con cái bà chẳng được học hành tử tế. Đứa cao nhất “tốt nghiệp” lớp 3. Đứa thấp nhất thì xem như mù chữ. Vì chẳng được học hành nên con cái của ông bà đứa thì quanh quẩn ruộng nương làm chẳng đủ ăn, đứa tha hương cầu thực đi ở đợ cho người ta.
Năm 2004, bà phát hiện mình bị đau tai phải. Những cơn đau ngày càng tăng khiến bà không thể chịu đựng được. Gia đình cho bà đi khám tuyến huyện, tuyến tỉnh và kết luận bà bị viêm tai giữa cần phải mổ gấp. Sau cuộc phẫu thuật, bà chỉ dám làm những công việc nhẹ nhàng. Mổ được 3 năm bệnh tái phát. Một lần nữa ông bà khăn gói xuống bệnh viện tỉnh điều trị.
Khi tai chưa kịp khỏi thì vào năm 2011, bà Lai bị tai biến mạch máu não, nằm liệt giường gần một năm. Nhờ sự chăm sóc tận tình của chồng và sự giúp đỡ của họ hàng, làng xóm, bà dần hồi phục. Tuy nhiên, di chứng để lại sau đợt ốm này là miệng bà bị méo, tay phải co quắp không duỗi ra được. Chân phải cứng đơ như khúc gỗ. Muốn đứng lên hay di chuyển bà đều cần đến một điểm tựa.
Tưởng rằng như thế bệnh tật đã thôi “đeo bám” bà. Thế nhưng, vào đầu năm 2014, một lần nữa bà và gia đình lại hoang mang khi vòm miệng bà xuất hiện một khối u. Bà lại theo ông khăn gói ra huyện, xuống tỉnh khám. Rồi được giới thiệu ra bệnh viện K. Bác sĩ kết luận bà bị u ác, cần phải xạ trị.
Khi ra Hà Nội chữa bệnh trong người ông bà vẻn vẹn có vài triệu bạc. Tiền nhập viện cũng “ngốn” gần hết. Đợt điều trị đầu tiên cũng may con cháu ở nhà tập trung vay mượn. Con út của ông bà phải “bán” sức lao động 5 năm, ứng tiền trước gửi cho mẹ chữa trị. Để tiết kiệm và duy trì cuộc sống ở viện, ông dành tiền đó mua cháo cho bà. Còn bữa ăn hằng ngày của ông nhờ vào bát cơm thừa của gia đình các bệnh nhân có điều kiện cùng điều trị trong khoa. Cũng có hôm ông được nhận những suất cơm, cháo của các nhà hảo tâm.
Hơn 4 tháng nay, bà Lai đã xạ trị được 1 lần tại cơ sở 2 của Bệnh viện K ở Thanh Trì. Còn phải xạ trị nhiều đợt nữa, nhưng vì chưa đủ tiền nên bà vẫn lay lắt ở viện chờ. Kinh phí chữa trị hiện ông bà không biết phải vay mượn chỗ nào nữa. Bệnh tật trút xuống đầu bà như thế đã khiến gia đình lâm vào cảnh khốn cùng. Mảnh đất hương hỏa cộng với chiếc nhà sàn xập xệ đã bị đem đi thế chấp vay ngân hàng.
Bà Lai từng tham gia thanh niên xung phong thời kỳ chống Mỹ nhưng không giữ được giấy tờ nên không được hưởng chế độ. Nằm viện, bà chỉ có sổ hộ nghèo của dân tộc vùng cao.
Giọt nước mắt của đôi vợ chồng người Thái cùng khát khao sống của người đàn bà gần 60 tuổi khiến người viết day dứt mãi. Cần lắm sự giúp đỡ của những nhà hảo tâm để bà Lai vượt qua bạo bệnh, kéo dài những ngày bên chồng, con.