Thảm hoạ xảy ra vào ngày 26/4/1986 khi nhà máy điện nguyên tử Chernobyl ở Pripyat, Ukraina (khi ấy còn là một phần của LB Xô Viết) bị nổ ở tổ máy thứ 4. Khoảng 200.000 người Nga đã tham gia xử lý hậu quả tai nạn này.
Tai nạn chưa từng có
Vụ tai nạn hạt nhân trầm trọng nhất trong lịch sử năng lượng hạt nhân tạo ra một đám mây bụi phóng xạ tung lên từ nhà máy lan rộng ra nhiều vùng phía tây LB Xô viết, Đông và Tây Âu, Scandinavia, Anh quốc và đông Hoa Kỳ. Tổng diện tích ô nhiễm phóng xạ tại 12 tỉnh Ukraine do thảm họa này gây ra lên tới 50.000km2, nhiều vùng thuộc Belarus và Nga bị ô nhiễm nghiêm trọng, dẫn tới việc phải sơ tán và tái định cư cho hơn 336.000 người.
Thảm hoạ này phát ra lượng phóng xạ lớn gấp bốn trăm lần so với quả bom nguyên tử được ném xuống Hiroshima.
Vụ tai nạn làm dấy lên những lo ngại về sự an toàn trong ngành công nghiệp năng lượng hạt nhân Xô Viết, làm đình trệ sự phát triển của ngành này trong nhiều năm, đồng thời buộc Liên Xô phải công bố một số thông tin.
Một bản báo cáo năm 2005 do Hội nghị Chernobyl, dưới quyền lãnh đạo của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đưa ra cho rằng có 56 người chết ngay lập tức; 47 công nhân và 9 trẻ em vì ung thư tuyến giáp và ước tính rằng có khoảng 9.000 người, trong số gần 6,6 triệu người cuối cùng sẽ chết vì một loại bệnh ung thư nào đó.
Riêng tổ chức Hoà bình xanh ước tính tổng số người chết là 93.000 nhưng đã ghi trong bản báo cáo của họ rằng: "Những con số được đưa ra gần đây nhất cho thấy rằng chỉ riêng ở Belarus, Nga và Ukraina vụ tai nạn có thể đã dẫn tới cái chết thêm của khoảng 200.000 người trong giai đoạn 1990 - 2004".
|
Dự án Vỏ bọc an toàn mới (New Safe Confinement) trị giá 2,3 tỷ USD dự kiến hoàn thành năm 2017 sẽ ngăn chất phóng xạ rò rỉ. |
Thiết kế kém hay vận hành “có vấn đề”?
Giới chuyên gia cho rằng, một nhân tố quan trọng đằng sau thảm họa này chính là thiết kế kém bất thường của lò phản ứng RMBK, nhất là khả năng dễ bị vượt công suất đột ngột của nó, như đã xảy ra tại Chernobyl. Thêm vào đó, không giống như bất cứ nơi nào khác trên thế giới, ở Chernobyl cũng không có một hệ thống tường chắn nhằm tránh rò rỉ phóng xạ ra ngoài. Tuy nhiên, cũng phải nhắc đến lỗi của con người. Theo Hiệp hội Hạt nhân thế giới, tai nạn này xảy ra một phần cũng do “sự vi phạm quy trình vận hành và việc không có văn hóa an toàn”.
Việc xử lý hậu quả sau thảm họa Chernobyl cũng khá yếu kém: Giới chức chậm trễ trong việc sơ tán người dân địa phương, lực lượng cứu hộ được trang bị các dụng cụ thô sơ hoặc không được bảo hộ. Báo động đầu tiên về thảm họa này do Thụy Điển đưa ra ngày 28/4/1986, khi họ phát hiện sự gia tăng mức độ phóng xạ một cách bất thường. Cho đến ngày 14/5, lãnh đạo Liên Xô khi đó là Mikhail Gorbachev vẫn không thừa nhận rằng thảm họa này đã xảy ra.
Trước thái độ giận dữ của cộng đồng quốc tế, Chernobyl – cái tên bỗng chốc trở nên nổi tiếng, đã trở thành một lực đẩy thế giới - bất chấp những chia rẽ trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh - buộc phải cải thiện sự an toàn hạt nhân và trấn an người dân. Một trong những bước đi quan trọng nhất là sự hình thành Hiệp hội Các nhà máy điện nguyên tử thế giới (WANO) vào năm 1989, với sứ mệnh thanh sát 430 lò phản ứng trên toàn thế giới nhằm sớm phát hiện ra các vấn đề. Peter Prozesky - Giám đốc điều hành của WANO - nói: “Ngành này chắc chắn đã rút ra bài học rằng hợp tác khiến chúng ta mạnh hơn”.
|
Sau 30 năm, các tàn dư phóng xạ bị phát tán vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến sức khỏe người sống ở khu vực này. |
Nỗ lực giải quyết
Việc Liên Xô tan rã và chấm dứt tình trạng cô lập thời Chiến tranh Lạnh đã phá bỏ các rào cản trong sự hợp tác quốc tế. Các quốc gia Đông Âu được hỗ trợ để thích nghi với các nhà máy do Liên Xô xây dựng, 6 trong số 17 lò phản ứng RMBK đã ngừng hoạt động vĩnh viễn.
Thêm vào đó, vai trò của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cũng được tăng cường, khi họ mở rộng và điều chỉnh các tiêu chuẩn an toàn và yêu cầu các quốc gia thành viên phải lập tức trình báo bất cứ sự cố nào có nguy cơ gây ra các hậu quả vượt ra ngoài biên giới. Một số thỏa thuận quốc tế cũng được ký kết, trong đó quan trọng nhất là Công ước về an toàn hạt nhân (CNS) của IAEA. Một số thỏa thuận khác liên quan tới chất thải hạt nhân và hệ thống cảnh báo sự cố sớm.
Tuy nhiên, những người tin rằng thế giới đủ nỗ lực đã phải bàng hoàng sau khi sóng thần phá hủy hệ thống cung cấp điện và làm mát của 3 lò phản ứng tại Nhà máy hạt nhân Daiichi Fukushima vào ngày 11/3/2011, gây ra thảm họa kép kinh hoàng. Juan Carlos Lentijo - người đứng đầu bộ phận an ninh hạt nhân tại IAEA - nói: “Lúc đó, tại Nhật Bản, người ta tin rằng nhà máy điện hạt nhân này là an toàn… và không cần phải thực hiện những thay đổi hay nâng cấp gì bởi điều đó sẽ thể hiện sự yếu kém. Đây thực sự là một sai lầm nghiêm trọng, một lỗi lớn”.
Thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất kể từ sau vụ Chernobyl này cũng đã gây sự làn sóng phản đối dữ dội, và tiếp tục tạo ra thêm những thỏa thuận và hợp tác quốc tế cũng như đòi hỏi WANO và IAEA phải đóng vai trò lớn hơn nữa. Các nhà máy hạt nhân một lần nữa lại nói rằng họ đang thực hiện thêm những cải tiến kỹ thuật, bao gồm việc cách ly tốt hơn các nguyên liệu hạt nhân và vận hành tốt hơn hệ thống an toàn tại các lò phản ứng mới. Tuy nhiên, giới phê bình cho rằng các mối đe dọa nguy hiểm vẫn còn đó.
Rủi ro từ sai lầm của con người – nhân tố góp phần gây ra cả 2 vụ Chernobyl và Fukushima - vẫn tồn tại. Theo Shawn-Patrick Stensil, một chuyên gia hạt nhân tại tổ chức Hòa Bình Xanh, rủi ro lớn nhất là hầu hết các lò phản ứng, đặc biệt tại phương Tây, đã hoạt động nhiều thập kỷ với thiết kế từ những năm 1960 và 1970. Thêm vào đó, các lò phản ứng này đều được xây dựng từ trước khi xuất hiện một nguy cơ khác trong những năm gần đây – đó là hoạt động khủng bố hạt nhân.
Ngoài ra, vẫn còn quan ngại về nước Nga, nước hiện vẫn còn 11 lò phản ứng RMBK, dù chúng có những đặc tính an toàn mới, nhất là khi Nga đang trở thành nhà xuất khẩu lò phản ứng hạt nhân cho các nước đang phát triển. Nhưng theo ông Lentijo, tình hình có vẻ lạc quan hơn. Ông nói: “An toàn đã được cải thiện và tôi cho rằng mức độ an toàn này là thích hợp với các điều kiện nói chung.
Cảnh báo sớm
Về phần mình, tướng Không quân Nga Nikolai Antoshkin - anh hùng Liên Xô từng tham gia xử lý tai nạn Chernobyl - lo ngại, trong điều kiện khủng hoảng chính trị và kinh tế ở Ukraine hiện nay, rất có thể sẽ lại xảy ra những sự cố mới tại cơ sở hạt nhân này.
Ông Antoshkin lý giải: "Tại đó chưa hoàn tất công việc làm hố để chôn phóng xạ, thậm chí họ còn muốn đưa chất thải hạt nhân từ khắp châu Âu đến đó. Họ muốn thay nhiên liệu hạt nhân tại các lò phản ứng. Nhưng ở Ukraine bây giờ, Chính phủ không kiểm soát được, khủng bố khắp nơi…".
Theo ông, một quốc gia hùng mạnh như Liên Xô trước đây đã có thể tổ chức bảo vệ các đối tượng đặc biệt nguy hiểm như vậy, nhưng tình hình Ukraine bây giờ đáng quan ngại hơn nhiều. Ông nói: "Nhà nước suy yếu Ukraine bây giờ có thể thực hiện được điều đó hay không? Bất kỳ hành động khiêu khích nào trong vùng lân cận cơ sở hạt nhân đều gây hậu quả khôn lường. Nếu xảy ra điều gì, sau đó tất cả mọi nơi trên thế giới phải hứng chịu".
Nhà máy điện nguyên tử Chernobyl mang tên V. I. Lenin nằm ở thị trấn Pripyat, Ukraina, cách 18km về phía tây bắc thành phố Chernobyl, cách 16km từ biên giới Ukraina và Belarus và cách khoảng 110km phía bắc Kiev. Nhà máy có bốn lò phản ứng, mỗi lò có thể sản xuất ra 1 gigawatt (GW) điện, và cả bốn lò phản ứng sản xuất ra khoảng 10% lượng điện của Ukraina ở thời điểm xảy ra vụ tai nạn.
Việc xây dựng nhà máy được bắt đầu từ thập kỷ 1970, lò phản ứng số 1 bắt đầu hoạt động năm 1977, tiếp theo là lò phản ứng số 2 (1978), số 3 (1981), và số 4 (1983). Hai lò phản ứng số 5 và số 6, mỗi lò cũng có khả năng sản xuất 1 gigawatt, đang được xây dựng ở thời điểm xảy ra tai nạn. Cả bốn tổ máy phát điện sử dụng lò phản ứng kiểu RBMK-1000.
Lò phản ứng số 4 bị hư hại nặng sau đó đã được “hàn kín” bằng 200 mét khối bê tông. Chính phủ Ukraina tiếp tục cho 3 lò phản ứng còn lại hoạt động vì tình trạng thiếu hụt năng lượng trong nước. Nhưng một đám cháy đã bùng phát tại lò phản ứng số 2 năm 1991; chính quyền sau đó tuyên bố rằng lò phản ứng bị hư hại tới mức không thể sửa chữa và cho ngừng hoạt động.
Lò phản ứng số 1 được cho ngừng chạy tháng 11/1996 như một phần của thỏa thuận giữa chính phủ Ukraina và các tổ chức quốc tế như IAEA với mục đích chấm dứt hoàn toàn hoạt động của cả nhà máy. Tháng 11/2000, Tổng thống Ukraina Leonid Kuchma đã đích thân bấm nút dừng hoạt động của lò phản ứng hạt nhân số 3, chính thức chấm dứt hoạt động của toàn bộ nhà máy. Một vùng cách ly có bán kính 30km được thiết lập quanh Chernobyl và đây là một trong những điểm nhiễm phóng xạ đậm đặc nhất trên hành tinh hiện nay.
Theo tổ chức Hòa bình Xanh (Greenpeace), thảm họa Chernobyl đã gây tổn thất không thể đảo ngược với môi trường và hậu quả sẽ còn dai dẳng trong hàng ngàn năm nữa. Cho tới năm 2016 này, khoảng 5 triệu người vẫn đang sống tại những khu vực được cho là còn nhiễm mức phóng xạ cao...