Tận dụng các FTA giúp ngân hàng tăng doanh thu

(PLVN) - Ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, cơ hội từ các FTA giúp ngân hàng tăng được số lượng khách hàng, tăng doanh thu. Bởi số lượng doanh nghiệp tham gia xuất khẩu, tham gia vào các FTA, nếu họ tận dụng hiệu quả thì đây là nguồn khách hàng tiềm năng cho hệ thống ngân hàng. Như vậy, trước mắt các cán bộ ngân hàng phải hiểu rõ, hiểu sâu để tận dụng, thực thi các FTA.
Ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương).

Trong thời gian qua, khi Chính phủ ký kết và đưa vào thực thi các FTA, các ngân hàng lớn cũng đã tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm để phổ biến thông tin, những quy tắc xuất xứ cũng những cam kết trong các FTA... các ngân hàng lớn đã xây dựng chiến lược tiếp cận phát triển nguồn nhân lực, và họ quan tâm đến vấn đề hội nhập quốc tế, quan tâm đến các FTA.

Theo ông Ngô Chung Khanh, vẫn chưa có một chương trình cụ thể liên quan đến việc hỗ trợ ngành ngân hàng tận dụng các FTA hay một chương trình do ngành ngân hàng tổ chức để giúp cán bộ nhân viên ngành ngân hàng hiểu sâu, hiểu rõ hơn về các FTA...

"Tôi mong rằng, tới đây sẽ có một buổi đào tạo chuyên sâu cho các cán bộ ngân hàng về FTA. Cơ hội từ các FTA là rất lớn giúp ngân hàng tăng được số lượng khách hàng, tăng doanh thu. Bởi số lượng doanh nghiệp mà tham gia xuất khẩu, tham gia vào các FTA nếu họ tận dụng hiệu quả thì đây là nguồn khách hàng tiềm năng cho hệ thống ngân hàng. Như vậy, trước mắt các cán bộ ngân hàng phải hiểu rõ, hiểu sâu để tận dụng, thực thi các FTA" - ông Khanh nói.

Cũng theo ông Khanh, trong các FTA, ngân hàng cần nắm được những lĩnh vực mà ngân hàng có thể tận dụng từ các doanh nghiệp như về thuế, về các quy tắc xuất xứ, về hải quan, quy định về tài chính...

"Nếu có một chương trình tổng thể, bài bản, chuyên sâu, xuyên suốt sẽ giúp ích rất nhiều cho các ngân hàng trong việc đánh giá cơ hội, đánh giá tiềm năng của khách hàng cũng như có những đánh giá hiệu quả hơn khi mà xem xét hồ sơ xin cấp vốn, vay vốn… đây là một trong những nội dung mà Bộ Công Thương mong muốn phối hợp với các tổ chức liên quan đến giải quyết, tìm giải pháp", ông cho biết.

Để nâng cao hơn nữa kiến thức về các FTA cho các cán bộ ngân hàng, ông Khanh ấn tượng với phương thức của một số ngân hàng lớn trong quá trình tiếp cận các FTA và hội nhập quốc tế, họ có những trung tâm đào tạo nhân lực chuyên nghiệp, có chiến lược tiếp cận bài bản.

Riêng với đào tạo nhân lực ngành ngân hàng thực thi FTA, Bộ Công Thương đề nghị các Hiệp hội, ngành hàng cùng doanh nghiệp tăng cường công tác phối hợp hơn nữa để nâng cao đội ngũ nhân lực thực thi và tận dụng FTA. Doanh nghiệp rất cần ngân hàng, vì thế phải kết nối với nhau, cùng tham gia vào hệ sinh thái ngành hàng tận dụng các FTA.

"Chúng tôi không chờ hệ sinh thái được thành lập rồi mới làm, mà quan trọng là phải làm song song. Bên cạnh việc xây dựng mô hình hệ sinh thái, doanh nghiệp, ngân hàng cần có những sự hợp tác, trao đổi ban đầu, một bên chia sẻ về nhu cầu, bên kia chia sẻ về thế mạnh hỗ trợ, đáp ứng" - ông Khanh nói.

Ông Nguyễn Cảnh Cường – cố vấn Công ty KTPC chuyên tư vấn tận dụng FTA, nguyên tham tán thương mại tại Vương quốc Anh.

Vấn đề tiếp cận vốn và tín dụng của các doanh nghiệp Việt Nam thời gian qua, ông Nguyễn Cảnh Cường – cố vấn Công ty KTPC chuyên tư vấn tận dụng FTA, nguyên tham tán thương mại tại Vương quốc Anh cho biết, về phía doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa chuẩn bị hồ sơ vay vốn đạt chuẩn. Trong bối cảnh các cán bộ tín dụng phải đáp ứng chỉ tiêu về dư nợ và đồng thời đảm bảo an toàn vốn, hồ sơ không đầy đủ hoặc thiếu thông tin thuyết phục thường dẫn đến việc ngân hàng từ chối cho vay. Đối với các cán bộ tín dụng, ưu tiên hàng đầu vẫn là đảm bảo khả năng thu hồi vốn. Chính vì vậy, họ thường chọn giải pháp an toàn thay vì chấp nhận rủi ro với các hồ sơ không rõ ràng, đặc biệt là từ các doanh nghiệp nhỏ hoặc khách hàng mới;

Về phía ngân hàng, ông Cường nhận thấy sự khác biệt đáng kể trong năng lực của cán bộ tín dụng giữa Việt Nam và các ngân hàng tại châu Âu. Ở châu Âu, cán bộ tín dụng thường có kinh nghiệm làm việc tại các công ty kiểm toán, quỹ đầu tư hoặc bộ phận quy hoạch đầu tư trước khi chuyển sang lĩnh vực ngân hàng. Nhờ vậy, họ sở hữu kỹ năng phân tích sâu sắc, hiểu rõ hoạt động của doanh nghiệp và đánh giá chính xác khả năng trả nợ. Điều này giúp họ đưa ra quyết định tín dụng hiệu quả và minh bạch hơn.

Ngược lại, cán bộ tín dụng tại Việt Nam thường thiếu kinh nghiệm đa ngành, nhiều người dành cả sự nghiệp làm việc duy nhất trong ngành ngân hàng mà không trải qua các vai trò khác trong lĩnh vực tài chính. Do đó, khả năng phân tích và đánh giá hồ sơ vay vốn của một số cán bộ còn hạn chế.

Để giải quyết vấn đề này, theo ông cần có sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội ngân hàng và các tổ chức đào tạo để tổ chức các chương trình cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ cho cán bộ tín dụng. Việc này không chỉ giúp ngân hàng đáp ứng tốt hơn nhu cầu của doanh nghiệp, mà còn tạo điều kiện để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng, tận dụng tối đa các cơ hội mà các hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại.

Đọc thêm