TAND TP Cao Lãnh (Đồng Tháp): Một quyết định “phong tỏa” bị VKS tỉnh kháng nghị

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Dù người chủ mới đã trả tiền mua khu đất, hoàn thành mọi thủ tục, chỉ còn chờ ra sổ đỏ; nhưng TAND TP Cao Lãnh (Đồng Tháp) vẫn áp dụng biện pháp khẩn cấp, phong tỏa khu đất trên để “làm tin” cho một món nợ mới phát sinh của… chủ cũ khu đất.

Động thái trên của TAND TP Cao Lãnh không chỉ bị chủ mới khu đất phản đối; mà VKSND tỉnh cũng kháng nghị, đánh giá “chưa đúng quy định pháp luật, vi phạm thủ tục tố tụng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự”.

Phong tỏa tài sản người khác đã mua

Đối tượng của quyết định “phong tỏa” trên là 2 thửa đất số 3463, 3464, tờ bản đồ số 8, tổng diện tích 585m2, tại ấp 4, xã Ba Sao, huyện Cao Lãnh (tại tỉnh Đồng Tháp có cả TP Cao Lãnh và huyện Cao Lãnh).

Khu đất trên từng đứng tên bà Hồ Thị Thùy Duyên (ngụ huyện Cao Lãnh). Năm 2022, sau khi bà Duyên thế chấp khu đất tại một ngân hàng và không trả được nợ, cơ quan chức năng huyện Cao Lãnh kê biên khu đất.

Các bên sau đó đã tìm ra một phương án hợp tình, hợp lý, là ông Trần Duy Thắng (SN 1983, ngụ tỉnh Đồng Tháp) mua khu đất, để bà Duyên lấy tiền trả nợ. Tháng 5/2023, được sự chấp thuận của TAND huyện, Chi cục THADS huyện Cao Lãnh, ông Thắng đã trả xong tiền, bên bán bên mua đã ký hợp đồng chuyển nhượng, các thủ tục đã được thực hiện hoàn chỉnh đúng pháp luật, hồ sơ đã được chuyển đến Văn phòng Đăng ký đất đai huyện, chỉ còn chờ ra sổ đỏ mới đứng tên chủ mới.

Giải pháp trên được đánh giá là rất hợp tình, hợp lý, vừa giúp bên bán đất và ngân hàng thoát khỏi nợ xấu, vừa giúp cơ quan chức năng không phải mất công sức cưỡng chế kê biên bán đấu giá tài sản, tất cả cùng có lợi. Nhưng không ngờ sau đó chủ mới của khu đất lại rơi vào một tình huống vô cùng thiệt thòi.

Đó là ngày 6/5/2023, bà Duyên lại làm giấy vay 1,5 tỷ đồng của một cá nhân ngụ TP Cao Lãnh, hạn trả 6/6/2023. Thế nhưng ngày 25/5/2023, chưa đến hạn trả nợ, chủ nợ đã khởi kiện ra TAND TP Cao Lãnh đòi bà Duyên trả tiền.

Chỉ 10 ngày sau đó, TAND TP Cao Lãnh ra Quyết định áp dụng khẩn cấp tạm thời (“phong tỏa”) số 02/2023/QĐ-BPKCTT với một số khu đất đứng tên hộ bà Duyên và từng đứng tên bà Duyên, trong đó có 2 khu đất bà Duyên đã bán cho ông Thắng.

Cho rằng quyết định của Tòa TP Cao Lãnh không phù hợp pháp luật, ảnh hưởng quyền lợi hợp pháp của mình với khu đất mình đã mua, lập tức ông Thắng có đơn đề nghị Tòa TP Cao Lãnh hủy bỏ Quyết định 02. Tuy nhiên, ngày 22/6/2023, Tòa TP Cao Lãnh có Văn bản 50/TA-VP do Phó Chánh án Nguyễn Thị Cẩm Trinh ký, cho rằng ông Thắng “không có quyền yêu cầu”.

Quyết định kháng nghị của VKSND Đồng Tháp.

Quyết định kháng nghị của VKSND Đồng Tháp.

VKSND tỉnh kháng nghị

Ngày 30/6/2023, nghĩa là chỉ 24 ngày sau khi bà Duyên quá hẹn trả nợ cho ông Nhân, Tòa TP Cao Lãnh đã mở phiên xử “tranh chấp hợp đồng dân sự vay tài sản”.

Theo Luật sư Huỳnh Phước Hiệp - Đoàn Luật sư TP HCM, có 3 điều đáng lưu ý trong quá trình Tòa TP Cao Lãnh thụ lý, xét xử vụ án này.

Thứ nhất, hợp đồng vay chưa đến hạn trả, nghĩa là khi chưa có tranh chấp, nhưng ông Nhân đã khởi kiện và Tòa TP Cao Lãnh vẫn thụ lý xét xử vụ kiện “tranh chấp”.

Thứ hai, Tòa TP Cao Lãnh đã tống đạt thông báo thụ lý vụ án, thông báo phiên họp công khai chứng cứ và hòa giải, quyết định đưa vụ án ra xét xử… nhưng bà Duyên đều không có văn bản gửi ý kiến cho Tòa. Bà Duyên cũng không tham gia các phiên hòa giải và phiên xử.

Thứ ba, thế nhưng Tòa vẫn “phong tỏa” tài sản bà Duyên đã bán cho ông Thắng, “phong tỏa” cả tài sản của hộ gia đình bà Duyên.

Rồi cuối cùng, Tòa TP Cao Lãnh buộc bà Duyên (trong phiên xử vắng mặt bà Duyên) phải trả ông Nhân 1,5 tỷ; tiếp tục phong tỏa khu đất bà Duyên đã bán cho ông Thắng.

Phán quyết của Tòa TP Cao Lãnh trong Bản án 69/2023/DS-ST mà thẩm phán Phạm Thanh Hiền làm chủ tọa, cũng bị VKSND tỉnh Đồng Tháp phản ứng.

Ngày 7/8/2023, VKSND tỉnh Đồng Tháp có Văn bản kháng nghị 121/QĐ-VKS-DS, đề nghị cấp phúc thẩm là TAND tỉnh Đồng Tháp hủy bản án sơ thẩm.

VKSND tỉnh Đồng Tháp đánh giá Bản án 69/2023/DS-ST của Tòa TP Cao Lãnh “đã giải quyết vụ án chưa đúng quy định pháp luật, vi phạm thủ tục tố tụng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự”.

VKSND tỉnh đánh giá, khu đất ông Thắng đã mua của bà Duyên, được cơ quan chức năng huyện Cao Lãnh bảo đảm thi hành bảo đảm quyền lợi cho bên mua, nhưng Tòa TP Cao Lãnh vẫn ra quyết định phong tỏa; và dù ông Thắng đã có đơn, nhưng Tòa TP Cao Lãnh vẫn cho rằng ông Thắng “không có quyền yêu cầu”, không đưa ông Thắng vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, là Tòa TP Cao Lãnh đã vi phạm tố tụng.

Cũng theo VKSND tỉnh, món nợ của bà Duyên với ông Nhân là 1,5 tỷ; nhưng Tòa TP Cao Lãnh lại phong tỏa cả khối tài sản có tổng giá trị hơn 7 tỷ, là không phù hợp pháp luật.

Chưa hết, VKSND tỉnh chỉ ra, Tòa TP Cao Lãnh tiếp tục duy trì biện pháp “phong tỏa” khối tài sản trên, mà không xem xét việc 2 thửa đất bà Duyên đã bán cho ông Thắng, thì bản án sẽ không thể thi hành được.

Theo Luật sư Huỳnh Phước Hiệp - Đoàn Luật sư TP HCM cho biết, theo Điều 138 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, trường hợp cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm của Tòa TP Cao Lãnh, thì biện pháp “phong tỏa” Tòa TP Cao Lãnh áp dụng sai quy định với khu đất bà Duyên đã bán cho ông Thắng sẽ bị hủy bỏ.

Đọc thêm