TAND Tp Hạ Long bất thường trong thụ lý vụ "kiện đòi 400m2 đất"

TAND TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh ngày 13/3 mở phiên tòa xét xử vụ kiện đòi hơn 400 m2 đất trong dự án khu dân cư tại phường Bạch Đằng, TP Hạ Long. Điều kỳ lạ ở chỗ, trước khi cùng với một số người đưa đất vào dự án thì nguyên đơn, bà Phùng Thị Thiểm (trú tại phường Hồng Gai), chỉ có quyền sử dụng hợp pháp 107,8m2. Tức là, nguyên đơn đang đi đòi một diện tích đất gấp gần 4 lần diện tích ban đầu...

TAND TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh ngày 13/3 mở phiên tòa xét xử vụ kiện đòi hơn 400 m2 đất trong dự án khu dân cư tại phường Bạch Đằng, TP Hạ Long. Điều kỳ lạ ở chỗ, trước khi cùng với một số người đưa đất vào dự án thì nguyên đơn, bà Phùng Thị Thiểm (trú tại phường Hồng Gai), chỉ có quyền sử dụng hợp pháp 107,8m2. Tức là, nguyên đơn đang đi đòi một diện tích đất gấp gần 4 lần diện tích ban đầu...

Khu đất thực hiện dự án khu dân cư.

Đợi đất “đẹp” rồi khởi kiện

Thửa đất 107,8 m2 của bà Thiềm cùng với diện tích đất của 4 hộ khác tại tổ 48 khu 3 phường Bạch Đằng, TP.Hạ Long vốn là đất trên đồi dốc, khó sử dụng. Từ năm 2002, các hộ dân ở đây đã có đơn xin lập quy hoạch khu dân cư và hạ cốt nền để thuận tiện trong sử dụng.

Để tiến hành các bước thực hiện dự án “khu dân cư phía Đông đường lên Nhà thờ (phường Bạch Đằng)”, vào các năm 2009, 2010, lần lượt 4 hộ dân và bà Thiểm đã có văn bản ủy quyền cho anh Nguyễn Tuấn Việt làm đại diện để “ký kết các văn bản liên quan để lập quy hoạch chi tiết xây dựng; ký hợp đồng thiết kế, thi công tạo mặt bằng để nhận quyền sử dụng đất; Bàn giao các ô đất, làm thủ tục đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân sau khi các hộ bốc thăm các ô đất”.

Sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chi tiết, ngoài việc có vị trí, cốt nền thuận lợi hơn thì khu đất còn có đường giao thông khá thuận tiện. Dự  kiến “phương án bồi thường” sẽ là, trong tổng số 15 lô đất được chia theo quy hoạch, mỗi hộ vẫn có 1 lô (tức là “đất trả đất”). Số lô đất còn lại được tính toán để bù trừ kinh phí làm hồ sơ, giấy tờ, san nền, xây kè, làm đường... trong dự án

Trong khi dự án sắp hoàn tất, đất cũ của cả 5 hộ đã được san gạt để phục vụ việc chia lô, xây dựng theo quy hoạch mới thì vào tháng 10/2011, bà Thiểm đột nhiên có ý định đòi lại 107,8m2 đất theo sổ đỏ cũ. Ban đầu, bà Thiểm khởi kiện đòi đất từ con gái là chị Vũ Thị Thúy Vân với lý do giao Sổ đỏ cho con gái để làm thủ tục tách thửa và xây nhà nhưng chị Vân không thực hiện đúng tiến độ và còn giao cho anh Nguyễn Tuấn Việt thi công.

Sau khi được Tòa thụ lý vụ án, bà Thiểm đã bổ sung nội dung khởi kiện bằng việc xác định anh Việt là bị đơn trong vụ án đòi đất này (trước  đó, anh Việt được xác định là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan”). Từ 107,8 m2 theo sổ đỏ ban đầu, bà Thiềm cũng thay đổi nội dung khởi kiện để đòi 9 ô đất  (từ 1 đến 9) với diện tích gần 400m2 trong dự án.

Nhiều vi phạm ngay từ giai đoạn thụ lý

Ngỡ ngàng trước yêu cầu khởi kiện này, anh Việt cho hay, “không hiểu tại sao tôi lại bị bà Thiểm kiện đòi đất. Tôi không sử dụng bất cứ m2 đất nào trong 108m2 đất thuộc Sổ đỏ của bà Thiểm. Giữa tôi và bà Thiểm không có quan hệ nào liên quan đến chuyển quyền sử dụng đất mà chỉ có quan hệ ủy quyền trong việc thực hiện dự án đối với khu đất đó”.

Trước sự việc trên, luật sư Nguyễn Trung Thành (công ty Luật TNHH Hòa Lợi) cho rằng, yêu cầu đòi đất của bà Thiểm là vô lý và không có khả năng được chấp nhận. Thể hiện ở chỗ, dự án khu dân cư đã sắp hoàn tất thì không thể phá bỏ quy hoạch để cắt đất trả cho bà Thiểm được. Việc này ví như người ta không thể khăng khăng đòi lại đúng phần nước của mình trong khi trước đó, chính mình đã tự nguyện đổ nước vào thùng lớn để cùng uống chung với người khác.

Luật sư Thành còn có quan điểm, chính bà Thiểm đã tự nguyện ủy quyền cho anh Việt và góp đất cùng mọi người để xin thực hiện dự án khu dân cư. Anh Việt có trách nhiệm liên hệ với cơ quan chức năng để triển khai dự án. Còn nếu cho rằng người được ủy quyền thực hiện sai nội dung ủy quyền, làm thiệt hại đến quyền lợi, hoặc làm mất đất, thiếu đất của mình thì bà Thiểm phải khởi kiện vụ án tranh chấp hợp đồng ủy quyền. Việc Tòa án xác định đây là vụ tranh chấp đất đai là không đúng về bản chất tranh chấp giữa bà Thiểm và anh Việt.

Tuy xác định đây là vụ tranh chấp đất đai nhưng khi thụ lý vụ án, TAND Tp Hạ Long đã không yêu cầu nguyên đơn giao nộp các tài liệu cần thiết khác, trong đó có biên bản hòa giải tại địa phương giữa bà Thiểm và anh Việt. Đây là một thiếu sót nghiêm trọng vì theo quy định tại Luật Đất đai thì thủ tục hòa giải ở cơ sở là một điều kiện bắt buộc trước khi Tòa thụ lý vụ án.

Một tài liệu quan trọng khác bị Tòa “bỏ qua” khi thụ lý vụ án là việc bà Thiểm đã không có các giấy tờ để chứng minh quyền sử dụng hợp pháp đối với diện tích hơn 400 m2 đất định đòi (vị trí từ lô 1 đến lô 9 trong dự án) như: không có giấy thể hiện quyền sử dụng 9 lô đất này; không có tài liệu chứng minh vị trí 107,8 m2 trước đây tương ứng với vị trí 9 lô đất hiện nay...

Người kiện sẽ bị bác đơn yêu cầu nếu không có căn cứ hợp pháp chứng minh cho yêu cầu của mình. Tuy nhiên, Điều 165 Bộ luật TTDS cũng đã quy định rõ “người khởi kiện phải gửi kèm theo đơn khởi kiện tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho những yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp”.

Việc TAND Tp Hạ Long thụ lý trong điều kiện nguyên đơn chưa đủ các tài liệu, chứng như trên là một điều bất thường. Liệu có những bất thường trong phiên tòa sơ thẩm tới đây?. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về diễn biến của phiên tòa này.

Khoa Lâm

Đọc thêm