TAND TP Hưng Yên làm việc theo kiểu… gia đình

 

Chủ tọa phiên tòa năn nỉ “sai sót như vậy, đề nghị bị cáo thông cảm vì Tòa làm việc theo kiểu… gia đình (tức là nhờ luật sư thông báo qua điện thoại). Nếu không thông cảm được thì sẽ hoãn phiên tòa vào một ngày khác để tiến hành triệu tập lại”...

Có mặt tại phiên tòa sơ thẩm lần 3 đối với bị cáo Phùng Thị Hưởng (xã Trung Nghĩa, TP Hưng Yên về tội “Cố ý gây thương tích”, ngày 12/9/2012, phóng viên cũng như những người dự khán vô cùng ngạc nhiên khi đến cuối giờ chiều, kết thúc phần xét hỏi, chủ tọa phiên tòa tuyên bố sẽ tiếp tục phần tranh luận vào ngày 21/9/2012 - tức là phiên tòa sẽ bị gián đoạn 9 ngày.

Lý do “tạm dừng” phiên tòa không thể tiếp tục vào ngày 13/9 được Chủ tọa giải thích là “ ngày thành lập ngành Tòa án nên bận… tiếp khách”.

Hội đồng xét xử hỏi 1 nhân chứng trong phiên tòa sáng 12/9
Hội đồng xét xử hỏi 1 nhân chứng trong phiên tòa sáng 12/9

Một ngày xét xử “không công”

Việc gián đoạn phiên tòa của TAND TP Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên, như trên là vi phạm quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về nguyên tắc “Xét xử liên tục”. Nhận ra sai sót trên nhưng do đã “trót” tuyên bố dừng xử trước công đường nên ngay sau đó, chủ tọa phiên tòa đã “nhờ” các luật sư (bên bị hại và bị cáo) thông báo hộ Tòa về việc phiên xử sẽ tiếp tục vào sáng 13/9. 

Thế nhưng, vào các buổi sáng 13/9, chiều 13/9 và sáng 14/9, do không được Tòa thông báo hợp lệ nên bị cáo và 1 số người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, nhân chứng đã không có mặt. HĐXX  đã có quyết định hoãn phiên tòa và định ngày xử vào ngày 21/9.

Tại phần khai mạc phiên tòa sáng 21/9, bị cáo Hưởng đã kịch liệt phản đối về "cái gọi là" “phiên tòa sáng 14/9” vì bị cáo, nhân chứng… không được triệu tập hợp lệ. Những người này đều đinh ninh phiên xử sẽ tiếp tục vào ngày 21/9 như tuyên bố của Chủ tọa vào ngày 12/9 và không thể biết việc HĐXX đã “hội ý” với Kiểm sát viên và luật sư để tiếp tục xử vào ngày 13 - 14/9. Họ đều không nhận được thông tin “đính chính” của Tòa.

Diễn biến phiên tòa sáng 21/9 cho thấy, đây là phiên tòa được mở mới hoàn toàn chứ không phải tiếp tục phiên xử ngày 13/9 (thành phần HĐXX có thay đổi Hội thẩm nhân dân, có thủ tục khai mạc phiên tòa và xét hỏi bị cáo, bị hại lại từ đầu…).

Điều này đồng nghĩa với việc, toàn bộ phần khai mạc phiên tòa cũng như phần xét xử ngày 12/9 đã bị…“bỏ đi”. Công sức của HĐXX, các luật sư, Kiểm sát viên cũng như sự có mặt của bị cáo, bị hại, nhân chứng, những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong cả ngày 12/9 coi như… “công cốc” chỉ vì tuyên bố “hoãn phiên tòa để… tiếp khách” của Chủ tọa phiên tòa.

Liệu có việc hủy án sơ thẩm lần thứ 3

Nhận sai sót trước việc trót thông báo hoãn tòa 9 ngày, chủ tọa phiên tòa cho hay: “Đã nhờ luật sư thông báo cho chồng bị cáo việc tiếp tục xử vào ngày 13/9”. Tuy nhiên, bị cáo Hưởng khẳng định, “việc Tòa thông báo, triệu tập bị cáo, nhân chứng… để xử tiếp vào ngày 13- 14/9 phải được tiến hành bằng văn bản theo quy định chứ không thể gọi qua điện thoại hoặc nhờ người khác”.

Chủ tọa phiên tòa đành năn nỉ “sai sót như vậy, đề nghị bị cáo thông cảm vì Tòa làm việc theo kiểu… gia đình (tức là nhờ luật sư thông báo qua điện thoại). Nếu không thông cảm được thì sẽ hoãn phiên tòa vào một ngày khác để tiến hành triệu tập lại”.

Như vậy, sai phạm trong việc triệu tập bị cáo, bị hại, nhân chứng… đã được chủ tọa thừa nhận và gọi đây là “làm việc theo kiểu gia đình”. Điều này đồng nghĩa với việc phiên tòa ngày 14/9 được mở là phiên tòa “chui” vì rất nhiều người mà pháp luật bắt buộc phải được triệu tập đã không biết về phiên tòa?. Thế mà từ phiên tòa này, HĐXX vẫn ra Quyết định hoãn phiên tòa và ấn định ngày xét xử vào 21/9 vừa qua. Quyết định này được tống đạt cho bị cáo 4 ngày trước khi mở phiên tòa.

Sáng qua, 23/9, HĐXX công bố bản án, tuyên phạt bị cáo Hưởng 9 tháng tù (cho hưởng án treo) về tội “Cố ý gây thương tích”. Như vậy, bản án sơ thẩm lần 3 vẫn giống hệt như 2 bản án mà TAND TP Hưng Yên đã tuyên trước đó.

Nhiều mâu thuẫn trong lời khai bị hại, nhân chứng, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan vẫn đầy rẫy mâu thuẫn chưa được lý giải. Giám định về cơ chế hình thành thương tích của bị hại cũng không được tiến hành theo yêu cầu của Tòa cấp phúc thẩm. Với việc chứng cứ kết tội còn lỏng lẻo như trên, liệu bản án này có bị hủy bỏ như 2 bản án trước đây.

Ngày mai (26/9), TAND TP. Hưng Yên mở phiên tòa xét xử bị cáo Trần Đăng Trung Kiên về tội “Cố ý gây thương tích trong trạng thái tinh thần kích động mạnh” vì bị cáo buộc đã đánh Hưởng tổn hại 36% sức khỏe, đánh chồng Hưởng tổn hại 10% sức khỏe. Kiên cũng chính là bị hại trong vụ án mà Hưởng là bị cáo trên đây. Chính vì tình tiết “Hưởng đánh Kiên” nên Kiên được coi là “tinh thần bị kích động mạnh”. 

Cuối ngày xử 21/9, sau khi kết thúc tranh luận, Chủ tọa tuyên bố sẽ tuyên án vào sáng 24/9 mà không cho bị cáo nói “lời nói sau cùng”.  Hôm qua (24/9), sau khi nghe tòa tuyên án, bị cáo Hưởng và chồng (là người có quyền và nghĩa vụ liên quan trong vụ án) đã đề nghị thư ký phiên tòa cho xem biên bản phiên tòa.

Theo vợ chồng bị cáo Hưởng thì biên bản này không ghi nhận nội dung bị cáo được HĐXX cho nói “lời nói sau cùng” (đúng như diễn biến trước đó) nên đã đề nghị được ký vào biên bản này đề phòng biên bản bị sửa chữa.

Tuy nhiên, thư ký phiên tòa đã không ý. Trước sự việc này, một số cán bộ của TAND TP Hưng Yên đã đề nghị vợ chồng bị cáo Hưởng phải “làm đơn trình bày sự việc” 

Khoa Lâm

Đọc thêm