Sau khi nhận được đề nghị của một số TAND địa phương đề nghị hướng dẫn “Giấy tờ có giá” và các yêu cầu trả lại giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản do người khác chiếm giữ, ngày 21/9/2011, TANDTC có văn bản số 141/TANDTC-KHXX hướng dẫn. Tuy nhiên, nội dung văn bản này đã vấp phải phản ứng của không ít luật sư…
|
Thiếu cơ sở pháp lý?
Viện dẫn Điều 163 của Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định:“Tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản” và quy định tại điểm 8 Điều 6 của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010, giấy tờ có giá là “bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ giữa tổ chức phát hành giấy tờ có giá với người sở hữu giấy tờ có giá trong một thời hạn nhất định, điều kiện trả lãi và các điều kiện khác”, TANDTC đã coi các giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy đăng ký xe mô tô, xe máy; Giấy đăng ký xe ô tô…) không phải là “giấy tờ có giá”. Theo đó, hướng dẫn Tòa án các cấp, nếu có yêu cầu Toà án giải quyết buộc người chiếm giữ trả lại các giấy tờ này thì Toà án không thụ lý giải quyết.
Trước quan điểm này, một số luật sư cho rằng CV 141 của TANDTC có nhiều điểm trái pháp luật, không khoa học và không phục vụ cộng đồng, chưa giải quyết hết tranh chấp trong nhân dân.
Thế nào là “giấy tờ có giá”?
Luật sư Quách Tú Mẫn - Cty Luật hợp danh Danh & Cộng sự, phân tích: “Thứ nhất, CV 141 nhận định “các giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy đăng ký xe mô tô, xe máy; Giấy đăng ký xe ô tô…)” không phải là “giấy tờ có giá” quy định tại Điều 163 của BLDS năm 2005 và điểm 8 Điều 6 Luật NHNNVN năm 2010 làm người đọc hết sức phân vân, không rõ theo quy định BLDS 2005, các giấy này là gì, có phải là tài sản hay không?. Cơ sở pháp lý về “giấy tờ có giá” của CV 141 cũng không thuyết phục. Phạm vi điều chỉnh Luật NHNNVN chỉ giới hạn trong “quy định về tổ chức và hoạt động của NHNNVN” và không bao quát, điều chỉnh hết mọi quan hệ dân sự.
“Giấy tờ có giá” trong quan hệ dân sự phải được hiểu là giấy tờ có thể trị giá bằng tiền theo Điều 321 BLDS “Tiền, giấy tờ trị giá dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự”. Có ý kiến coi giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản là một phần của quyền tài sản. Giấy chứng nhận bị chiếm hữu sẽ hạn chế quyền tài sản của chủ sở hữu.
Vật trong Điều 163 không được luật dân sự định nghĩa chi tiết nên phải hiểu theo nghĩa thông thường. Tờ giấy là vật, “Giấy” chứng nhận quyền sở hữu tài sản (CNQSHTS) cũng là vật. Căn cứ vào khoản 2 Điều 179 BLDS, giấy CNQSHTS được phân loại là vật đặc định. Với cách hiểu này các loại giấy chứng nhận khác, chứng minh nhân dân, bằng cấp, chứng chỉ nghề nghiệp đều là vật, tài sản.
Trái nguyên tắc “bất khả thụ lý”
Về thẩm quyền giải quyết yêu cầu trả lại giấy CNQSHTS, CV 141 cho rằng yêu cầu trả lại giấy CNQSHTS là“yêu cầu khởi kiện không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án” không dựa trên một cơ sở pháp lý nào ngoài lý do rất mơ hồ “các giấy CNQSHTS không phải là “giấy tờ có giá” quy định tại Điều 163 của BLDS năm 2005.
Lập luận này không thuyết phục, sai quy tắc logic, thẩm quyền giải quyết tranh chấp dân sự của Tòa án không tùy thuộc vào giấy tờ có là “giấy tờ có giá” hay không?. Ngược lại, nếu đã công nhận các giấy CNQSHTS là một loại tài sản quy định tại Điều 163 của BLDS năm 2005, tất nhiên phải thừa nhận Tòa án có thẩm quyền giải quyết yêu cầu trả lại giấy theo khoản 2 Điều 25 BLTTDS “tranh chấp về quyền sở hữu tài sản”…
CV 141 còn trái nguyên tắc “bất khả thụ lý”, một nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự các nước tiên tiến trên thế giới. Theo đó, Tòa án không thể viện dẫn bất kỳ lý do gì để từ chối thụ lý hoặc xét xử yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự của người dân. Các nhà làm luật Việt Nam cũng đồng ý với nguyên tắc trên nên đã thông qua Điều 4 BLTTDS quy định người dân có quyền yêu cầu Tòa án “bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp” của mình.
Cụ thể hóa nguyên tắc này, tại Điều 25 BLTTDS, ngoài 8 khoản đầu quy định chi tiết thẩm quyền giải quyết của Tòa án, các nhà làm luật đã thêm khoản thứ 9 “các tranh chấp khác về dân sự mà pháp luật có quy định”.
Một cách dễ hiểu, Tòa án có thẩm quyền và nghĩa vụ phải giải quyết tranh chấp đối với mọi quan hệ, giao dịch dân sự đã được ghi nhận trong một quy định pháp luật bất kỳ. Trong trường hợp nêu trên, hành vi chiếm hữu Giấy CNQSHTS của người khác đã làm phát sinh nghĩa vụ dân sự phải giao trả lại cho chủ. Quan hệ dân sự này được ghi nhận tại Điều 280, 281 BLDS năm 2005. Như vậy, Giấy CNQSHTS có là tài sản hay không thì người dân cũng có quyền yêu cầu và Tòa án có nghĩa vụ và thẩm quyền giải quyết tranh chấp này, buộc giao trả giấy tờ cho chủ…
Vô cảm với người dân? CV 141 hướng dẫn Tòa án khi trả đơn khởi kiện hướng dẫn cho người khởi kiện có thể yêu cầu “cơ quan chức năng giải quyết theo thẩm quyền” buộc người chiếm hữu bất hợp pháp phải trả lại giấy tờ nhưng lại không chỉ rõ cơ quan nào. Nếu có chút đồng cảm với nỗi khổ, bức xúc, hoang mang của người dân khi giao dịch gặp khó khăn phải nhờ đến cơ quan công quyền, đáng lẽ CV 141 phải chỉ rõ, trực tiếp cơ quan nào có chức năng giải quyết vụ việc trên để an lòng người dân thì mới phải? Với hướng dẫn này, có ý kiến cho rằng TANDTC đã vô cảm với người dân. |
Ban Pháp luật & Bạn đọc (thực hiện)