Tăng áp động mạch phổi – cái chết được báo trước!

(PLO) - Theo TS. Trương Thanh Hương, tăng áp động mạch phổi là một biến chứng rất thường gặp ở bệnh tim bẩm sinh nhất là tim bẩm sinh ở người lớn và nhiều bệnh lý ở các chuyên khoa khác. 
Tăng áp động mạch phổi – cái chết  được báo trước!

Hôm nay (27/7), Bệnh viện Bạch Mai đã phối hợp với các chuyên gia Trung tâm Bệnh phổi đại học RUSH và Trung tâm Tim mạch Bệnh viện St Mary Medical Center - Hoa Kỳ khai mạc khóa tập huấn về chẩn đoán về điều trị bệnh tăng áp động mạch phổi (TAĐMP).

Buổi tập huấn nhằm cập nhật kiến thức về chẩn đoán, phân loại, điều trị và quản lý bệnh nhân TAĐMP; chuẩn hoá cách tiến hành, cách nhận định kết quả của các xét nghiệm chẩn đoán TAĐMP và trao đổi kinh nghiệm chẩn đoán và điều trị cụ thể từng trường hợp bệnh đặc biệt. 

Theo PGS. TS. Trương Thanh Hương, Trưởng đơn vị tim trẻ em, Viện Tim mạch Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai, việc tiến hành các test chẩn đoán TAĐMP là vô cùng quan trọng.

Từ trước tới nay, Viện Tim mạch Quốc gia đã triển khai và áp dụng phương pháp thông tim phải để chẩn đoán, đánh giá áp lực và sức cản phổi. Buổi tập huấn này sẽ là bước khởi đầu và tạo điều kiện cho các bác sĩ Viện Tim mạch tiến hành phương pháp làm test giãn mạch phổi cấp một cách thường quy, theo quy chuẩn quốc tế.

Cũng theo TS. Trương Thanh Hương, TAĐMP là một biến chứng rất thường gặp ở bệnh tim bẩm sinh nhất là tim bẩm sinh ở người lớn và nhiều bệnh lý ở các chuyên khoa khác.

Theo số liệu từ Phòng tim mạch nhi & Tim bẩm sinh, Viện Tim mạch Quốc gia, từ tháng 4/2014-9/2015, phòng đã tiếp nhận điều trị cho 73/900 bệnh nhân TAĐMP liên quan đến bệnh tim bẩm sinh và tiên phát, trong đó số ca TAĐMP cố định là 41 ca. Bệnh nhân thường vào viện trong tình trạng nặng như ho ra máu, suy tim nặng…, và phối hợp nhiều tình trạng phức tạp như viêm phổi, áp xe não, đang có thai…

“Bệnh TAĐMP nếu không được điều trị hoặc loại bỏ nguyên nhân gây bệnh thì thường có tiên lượng rất nặng và có các biến chứng như: Bệnh tim do phổi dẫn đến suy tim bên phải, tiên lượng nặng và gây ra tử vong; Tăng áp động mạch phổi làm tăng khả năng hình thành các cục máu đông trong động mạch nhỏ trong phổi, gây nhồi máu phổi, nếu có hẹp hay tắc mạch máu lớn có thể gây sốc và tử vong.

Chứng loạn nhịp tim (tim đập không đều) nguồn gốc từ nhĩ hoặc thất là biến chứng của TAĐMP, có các triệu chứng như chóng mặt, đánh trống ngực hoặc ngất xỉu, có thể gây tử vong. Ngoài ra, ho máu cùng với chảy máu trong phổi cũng là một biến chứng nặng có khả năng gây tử vong” – TS. Trương Thanh Hương cảnh báo.

 Dấu hiệu nhận biết cần đi khám sàng lọc TAĐMP: Khó thở mà không có triệu chứng đặc hiệu của bệnh tim/phổi, hoặc ở bệnh nhân có sẵn bệnh tim/phổi nhưng khó thở tăng lên mà không giải thích được; Mệt mỏi, yếu cơ, đau ngực, ngất, chướng bụng, khó tiêu…; Bờ xương trái ức nhô cao, tiếng tim T2 mạnh ở đáy tim, tiếng thổi ở tim, gan to, phù chi…/

Đọc thêm