Khi nạn nhân không lên tiếng
Theo những hình ảnh và lời tố cáo của H.D.M., cô bị chồng đánh đập, dùng hung khí gây tổn thương và nếu không có con riêng của chồng can thiệp có lẽ cô đã gặp nguy hiểm. Những vết thương đáng sợ mà H.D.M. chụp cho thấy được sự tàn nhẫn của trận đòn, gây ra nhiều phẫn nộ cho cộng đồng. Điều đáng nói là nữ Tiktoker cho biết, sự việc này đã kéo dài trong nhiều lần, nhiều năm. Những lần trước, cô xuất hiện trên livestream bán hàng với gương mặt sưng húp và úp mở về chuyện bị chồng ghen, “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”.
Đến nay, cô xác nhận điều này và cho biết đã thu thập đủ bằng chứng để tố cáo chồng, ly hôn và giành quyền nuôi con. Không ít người cho rằng, lựa chọn im lặng kéo dài của H.D.M bấy lâu nay trước sự tấn công của người chồng đã khiến cho việc bạo hành không dừng lại mà càng ngày càng phát triển với mức độ nặng nề, nguy hiểm hơn.
Cách đây ít lâu, dư luận cũng đã một phen xôn xao trước sự việc L.M., một người mẫu ảnh trẻ đăng đàn livestream gương mặt chảy máu, sưng húp và trạng thái tinh thần hoảng loạn. Cô lên tiếng tố cáo chồng mình, một nam rapper có tiếng và mẹ chồng đã tấn công cô chỉ vì mâu thuẫn trên bàn ăn. Trước sự phẫn nộ và “tẩy chay” của dư luận, một thời gian sau, nam rapper đã lên tiếng xin lỗi và thừa nhận bản thân mình và mẹ có “tác động vật lý” đối với vợ. Sau sự việc, nữ người mẫu đã đưa con rời gia đình chồng. Theo bạn bè, người thân của cô tiết lộ, đây không phải lần đầu L.M. bị chồng dùng nắm đấm để nói chuyện.
Vòng lặp của bạo lực
Điều đáng nói là cả L.M., H.D.M. và nhiều trường hợp người nổi tiếng khác trước đó đều thể hiện những hình ảnh một gia đình hoàn hảo, yêu thương, chăm sóc, tôn trọng nhau. Từ đó có thể thấy, câu chuyện bạo hành có thể diễn ra trong bất cứ mọi gia đình dẫu ở tầng lớp, độ tuổi, học vấn, độ nổi tiếng... như thế nào. Và bạo hành gia đình cũng rất có thể ẩn nấp sâu trong những lớp vỏ “gia đình hoàn hảo”, “vợ chồng êm ấm”. Đôi khi, chính điều này lại là sự nguy hại, khiến nạn nhân, vì sợ phá vỡ lớp vỏ ngoài đáng ngưỡng mộ ấy, vì sợ điều tiếng, sợ những điều lý tưởng giả tạo mà mình cố công xây đắp bị sụp đổ, nên phải cố gắng thỏa hiệp, duy trì một cuộc hôn nhân đầy bạo lực và nước mắt.
Còn một lý do khác khiến nạn nhân cứ mãi chấp nhận im lặng trước sự bạo hành, đó là “vì con”. Nữ Tiktoker H.D.M., trong bài viết giãi bày việc bị chồng bạo hành tàn nhẫn kéo dài nhiều năm, đã chia sẻ rằng bấy lâu cô im lặng, nhẫn nhịn chịu đựng sự khống chế và đe dọa nhằm “bảo vệ những đứa trẻ được lớn lên bình yên”. Nhưng theo các chuyên gia tâm lý, không đứa trẻ nào có thể lớn lên bình yên, phát triển toàn diện khi mà phải chứng kiến cảnh bạo hành giữa cha và mẹ thường xuyên. Chưa kể đến, những hành vi bạo hành nếu được dung dưỡng sẽ ngày càng phát tác, mức độ ngày càng tăng và đối tượng bạo hành cũng ngày càng mở rộng.
Ngày 22/5/2024, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung thay mặt Chính phủ trình bày báo cáo kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023. Báo cáo nêu rõ, năm 2023 có 3.122 hộ xảy ra bạo lực gia đình với hơn 3.240 vụ. Trong đó, bạo lực thân thể xảy ra nhiều nhất với 1.520 vụ, tiếp đến là bạo lực tinh thần 1.404 vụ, bạo lực kinh tế 230 vụ và bạo lực tình dục 110 vụ. Có 3.193 nạn nhân của bạo lực gia đình, gồm có 2.628 nữ và 565 nam.
Báo cáo cũng cho thấy, trên thực tế nhiều người bị bạo lực có tâm lý cam chịu, sợ bị kỳ thị nên không đi báo cáo, vì cho rằng đó là chuyện bình thường, “xấu chàng hổ ai”. Phần lớn người bị bạo lực chỉ đi báo cáo và tìm sự hỗ trợ của nhà chức trách khi vụ việc nghiêm trọng, bạo lực xảy ra trong thời gian dài hoặc có thể dẫn đến chấm dứt hôn nhân. Điều này gây khó khăn cho việc thống kê số liệu cũng như triển khai các giải pháp can thiệp và ứng phó với bạo lực. Số liệu công bố năm 2020 cũng cho thấy, hơn 90% phụ nữ bị chồng bạo lực nhưng không tìm kiếm sự giúp đỡ.
Thẩm tra nội dung thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng còn có định kiến giới về vai trò, vị trí của nam giới và nữ giới trong lao động, việc làm, gia đình... Cơ quan thẩm tra đề nghị Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành nâng cao chất lượng lồng ghép vấn đề bình đẳng giới, ban hành các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới để xóa bỏ mọi phân biệt đối xử về giới, tiến tới bình đẳng giới thực chất.
Có thể nói, việc các nạn nhân bị bạo lực gia đình chọn cách thỏa hiệp và im lặng trước những hành vi bạo lực là một hiện tượng đáng báo động và phản ánh sâu sắc những rào cản về tâm lý, xã hội mà họ phải đối mặt. Sự im lặng này không chỉ kéo dài nỗi đau cá nhân mà còn góp phần duy trì vòng lặp bạo lực trong xã hội. Để phá vỡ sự im lặng, cần có sự chung tay của toàn xã hội, từ việc nâng cao nhận thức, hỗ trợ pháp lý cho đến việc tạo ra một môi trường an toàn và tin tưởng, nơi mà nạn nhân có thể tìm thấy sự giúp đỡ và bắt đầu hành trình tự bảo vệ mình.