Tăng cường hiệu lực thực thi quy hoạch ngay từ cấp cơ sở

(PLVN) - Ngày 28/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch. Một số ý kiến đại biểu đề nghị quy định rõ trách nhiệm của UBND cấp xã trong việc tổ chức tuyên truyền, giám sát việc thực hiện quy hoạch trên địa bàn, từ đó tăng cường hiệu lực thực thi quy hoạch ngay từ cấp cơ sở, nhất là trong giai đoạn chuyển sang chính quyền địa phương 2 cấp.
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng phát biểu tại phiên họp.
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng phát biểu tại phiên họp.

Qua thảo luận tại phiên họp, các ý kiến đại biểu tán thành phạm vi sửa đổi Luật Quy hoạch tập trung giải quyết các vấn đề mang tính cấp bách cần xử lý ngay, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, khơi thông nguồn lực và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhất là những vấn đề phát sinh khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu) cho rằng, luật hiện hành và dự thảo Luật chưa có quy định cụ thể về vai trò, trách nhiệm và cơ chế của chính quyền địa phương cấp xã trong công tác quy hoạch.

Do đó, Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, cân nhắc bổ sung khoản mới về hệ thống quy hoạch quốc gia nhằm quy định rõ chính quyền cấp xã là chủ thể phối hợp trong hệ thống quy hoạch; có trách nhiệm tham gia cung cấp thông tin, đề xuất phương án quy hoạch và phối hợp triển khai thực hiện quy hoạch trên địa bàn.

"Việc ghi nhận vị trí cấp xã trong hệ thống quy hoạch là cần thiết trong bối cảnh chuyển đổi sang mô hình chính quyền địa phương hai cấp, bảo đảm tính thực tiễn trong tổ chức thực thi pháp luật về quy hoạch", đại biểu Nguyễn Tâm Hùng nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định liên quan đến kế hoạch thực hiện quy hoạch, quy định UBND cấp xã có trách nhiệm phối hợp triển khai kế hoạch thực hiện quy hoạch trên địa bàn, theo dõi tình hình sử dụng đất, đầu tư hạ tầng theo quy hoạch đã được phê duyệt và định kỳ báo cáo cho cơ quan cấp tỉnh.

"Cấp xã tuy không có quyền quyết định quy hoạch nhưng lại là nơi trực tiếp quản lý hiện trạng sử dụng đất, nếu không có cơ chế ràng buộc vai trò của cấp xã thì việc triển khai thực hiện quy hoạch sẽ thiếu lực lượng", đại biểu nêu.

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng cũng đề nghị quy định rõ trách nhiệm của UBND cấp xã trong việc tổ chức tuyên truyền quy hoạch, giám sát việc thực hiện trên địa bàn, tiếp nhận kiến nghị từ người dân và phản ánh về cơ quan cấp tỉnh.

Theo Đại biểu, đây là điểm mấu chốt tăng cường hiệu lực thực thi quy hoạch ngay từ cấp cơ sở, nhất là trong giai đoạn sáp nhập đơn vị hành chính và chuyển sang chính quyền địa phương 2 cấp.

Cùng với đó, Đại biểu đề nghị bổ sung quy định về việc điều chỉnh quy hoạch nhằm xác định rõ trách nhiệm, rà soát kế thừa và cập nhật nội dung quy hoạch tại cấp xã sau khi có sáp nhập địa giới hành chính.

UBND xã mới được thành lập cần có sơ sở pháp lý để tích hợp các nội dung quy hoạch cũ của đơn vị hành chính hợp nhất và đề xuất quy hoạch tỉnh tương ứng. Việc này nhằm bảo đảm tính liên tục, kế thừa và hiệu quả trong công tác quy hoạch.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đoàn Đắk Lắk) nhìn nhận, dự thảo Luật lần này nhằm điều phối, phân bổ nguồn lực và kiến tạo không gian phát triển, đáp ứng yêu cầu của công cuộc sáp nhập tổ chức bộ máy, điều chỉnh và mở rộng địa giới hành chính, giải quyết những bất cập, điểm nghẽn trong thực tiễn.

Về trình tự thủ tục điều chỉnh cấp quốc gia quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, Đại biểu kiến nghị, các cơ quan được xin ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ gửi xin ý kiến. Nếu quá thời hạn này, các cơ quan không trả lời thì xem như là đồng ý.

“Quy định như vậy sẽ như là lời cam kết các cơ quan có trách nhiệm khi nhận hồ sơ thì phải có trách nhiệm trả lời các văn bản cho các đơn vị địa phương, tránh tình trạng hiện nay là xã chờ tỉnh, tỉnh chờ trung ương gây, lãng phí thời gian và mất cơ hội tiếp nhận các dự án phát triển kinh tế - xã hội”, Đại biểu nói.

Một số ý kiến đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan soạn thảo khẩn trương rà soát các dự án luật có liên quan đến quy hoạch đang trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 để kịp thời có phương án sửa đổi, bổ sung, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Đọc thêm