Tăng cường hiệu quả hoạt động kiến nghị trong trợ giúp pháp lý

(PLO) - Sau 9 năm thi hành Luật Trợ giúp pháp lý (TGPL), báo cáo của các Trung tâm TGPL nhà nước cho biết đã thực hiện hàng trăm vụ việc kiến nghị giải quyết vụ việc. Nhưng để đề cao trách nhiệm của đội ngũ người thực hiện TGPL thì cần phải tăng cường hơn nữa hoạt động kiến nghị thi hành pháp luật.
Một buổi trợ giúp pháp lý cho người dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa (Ảnh minh họa)
Một buổi trợ giúp pháp lý cho người dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa (Ảnh minh họa)

Vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ 

Luật TGPL khoản 7 Điều 15 lần đầu tiên quy định việc kiến nghị những vấn đề liên quan đến thi hành pháp luật là quyền đồng thời là nghĩa vụ của tổ chức thực hiện TGPL. Cụ thể hóa các quy định của Luật về vấn đề kiến nghị liên quan đến thi hành pháp luật, Nghị định số 07/2007/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định số 14/2013/NĐ-CP) đã xác định hoạt động kiến nghị thi hành pháp luật thông qua TGPL bao gồm ba hình thức: kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để giải quyết lại vụ việc của người được TGPL; kiến nghị cơ quan nhà nước có

 thẩm quyền xem xét, giải quyết về việc thi hành pháp luật của cán bộ, công chức khi phát hiện cán bộ, công chức cố tình làm sai, vi phạm pháp luật, gây thiệt hại đến lợi ích của người được TGPL và kiến nghị sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật khi phát hiện văn bản quy phạm pháp luật có mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp với thực tiễn. 

Như vậy, hoạt động kiến nghị các vấn đề về thi hành pháp luật trong TGPL đã được quy định tương đối đầy đủ, khắc phục được những hạn chế, thiếu sót trong các văn bản pháp luật về TGPL trước đó, tạo cơ sở pháp lý cho các tổ chức thực hiện TGPL triển khai hoạt động này trên thực tế.          

Thi hành Luật TGPL và các văn bản hướng dẫn, nhiều địa phương đã làm tốt hoạt động kiến nghị. Điển hình như, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Phú Thọ đã thực hiện kiến nghị sửa đổi 1 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và kiến nghị giải quyết 38 vụ việc; Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Lạng Sơn kiến nghị giải quyết 4 vụ việc đến TANDTC, VKSNDTC, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội...

Theo đánh giá của Cục TGPL, một số cơ quan nhà nước có thẩm quyền, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước chưa chủ động, đề cao trách nhiệm trong việc giải quyết và trả lời kiến nghị của Trung tâm. Sở dĩ có thực trạng trên là do pháp luật về TGPL đã quy định về việc kiến nghị của tổ chức thực hiện TGPL và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước khi tiếp nhận và giải quyết kiến nghị của Trung tâm; nhưng các văn bản quy phạm pháp luật quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan đó thì chưa quy định về vấn đề này. Vì vậy, bản thân họ chưa đề cao trách nhiệm khi nhận được kiến nghị của tổ chức thực hiện TGPL.

Không những thế, Luật TGPL và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật chưa quy định thời hạn ra văn bản kiến nghị, cũng như thủ tục kiến nghị, quy trình tiếp nhận, xử lý những đề xuất của người được TGPL. Bởi thế, đã phát sinh tình trạng tùy nghi ở một số Trung tâm trong việc ra văn bản kiến nghị. Nội dung kiến nghị chưa phân tích, đánh giá được nội dung vụ việc, các quy phạm pháp luật cần áp dụng và phương án giải quyết cụ thể để đề xuất với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Đề cao vai trò của tổ chức thực hiện TGPL

Hoạt động kiến nghị thi hành pháp luật là một hoạt động khó khăn, phức tạp và nhạy cảm, dễ gây bất đồng ý kiến với cơ quan, cá nhân bị kiến nghị, đòi hỏi người thực hiện TGPL phải có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, bản lĩnh nghề nghiệp vững vàng thì mới có thể phát hiện ra những bất cập của văn bản quy phạm pháp luật, những hành vi, quyết định trái pháp luật của của cán bộ, công chức trong quá trình giải quyết vụ việc.

Một vị Giám đốc Trung tâm TGPL từng chia sẻ, việc kiến nghị thi hành pháp luật trong hoạt động TGPL dễ dẫn đến va chạm giữa tổ chức thực hiện TGPL với các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền giải quyết kiến nghị. “Do đó, ở nhiều nơi, tổ chức thực hiện TGPL thiếu sự chủ động, chưa mạnh dạn trong việc ra văn bản kiến nghị” - ông thừa nhận.

Để hoạt động kiến nghị đạt được những kết quả tích cực hơn, trước hết cần tạo cơ chế thuận lợi bằng việc hoàn thiện thêm hành lang pháp lý. Bên cạnh việc bổ sung, sửa đổi các quy định của pháp luật về tổ chức, hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền để làm rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó; thì trong lĩnh vực TGPL cần bổ sung các văn bản quy định thủ tục, trình tự và thời hạn kiến nghị, trách nhiệm của tổ chức thực hiện TGPL trong việc kiến nghị, không kiến nghị và xây dựng quy trình tiếp nhận, xử lý những đề xuất của người dân liên quan đến vụ việc của họ.

Tuy nhiên, quan trọng nhất chính là sự chủ động của tổ chức thực hiện TGPL. Cùng với việc đẩy mạnh phối hợp với các cơ quan nhà nước ở địa phương có liên quan, thường xuyên liên hệ với người được TGPL thì các tổ chức thực hiện TGPL cũng cần sớm xây dựng và thực hiện quy chế tiếp công dân tại trụ sở Trung tâm, trụ sở Chi nhánh của Trung tâm, bảo đảm cho mọi phản ánh, kiến nghị, đề xuất của người dân đều được tiếp nhận, xử lý kịp thời, đúng pháp luật.

Đọc thêm