Đó là dự thảo Nghị định quy định việc quản lý, khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh; dịch vụ công trực tuyến phục vụ cấp, quản lý, kiểm soát hộ chiếu của công dân Việt Nam; kiểm soát xuất nhập cảnh bằng Cổng kiểm soát tự động.
Hiện nay, Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2020 đã quy định việc kiểm soát xuất nhập cảnh bằng Cổng kiểm soát tự động để giải quyết thuận lợi, nhanh chóng việc kiểm soát xuất nhập cảnh, hạn chế tình trạng quá tải trong giờ cao điểm tại các cửa khẩu tạo điều kiện thuận lợi cho công dân, người nước ngoài xuất nhập cảnh Việt Nam; đồng thời, giúp đơn vị kiểm soát xuất nhập cảnh tại cửa khẩu kịp thời phát hiện các trường hợp sử dụng hộ chiếu, giấy tờ giả, của người khác… để xuất nhập cảnh Việt Nam góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh. Tuy nhiên, các luật trên chưa có quy định cụ thể về đối tượng và trình tự xuất cảnh, nhập cảnh bằng Cổng kiểm soát tự động.
Ngoài việc tạo cơ sở pháp lý cho việc quản lý, khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, Nghị định được ban hành sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam và người nước ngoài xuất nhập cảnh. Dự thảo Nghị định nói trên gồm 04 chương 14 điều. Trong đó, quy định cổng kiểm soát xuất nhập cảnh tự động là thiết bị khai thác dữ liệu được lưu trữ trong hộ chiếu Việt Nam có gắn chíp điện tử, trong cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh để kiểm tra, xác định danh tính, điều kiện xuất cảnh, nhập cảnh của một cá nhân khi làm thủ tục tại cửa khẩu.
Liên quan đến việc công dân Việt Nam xuất nhập cảnh bằng Cổng kiểm soát tự động, hiện đang có hai phương án. Phương án 1: Quy định Công dân Việt Nam sử dụng hộ chiếu có gắn chíp điện tử khi xuất nhập cảnh bằng Cổng kiểm soát tự động không phải đăng ký; trường hợp sử dụng hộ chiếu không gắn chíp điện tử thì phải đăng ký, khi đăng ký chỉ phải xuất trình hộ chiếu và cung cấp vân tay. Phương án này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam sử dụng hộ chiếu có gắn chíp điện tử xuất nhập cảnh bằng Cổng kiểm soát tự động, qua đó khuyến khích công dân đề nghị cấp hộ chiếu có gắn chíp điện tử; tuy nhiên phương án này chưa phù hợp với quy định tại điểm b khoản 1 Điều 35 Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam (công dân Việt Nam khi xuất cảnh phải xuất trình cho Cổng kiểm soát tự động thị thực hoặc giấy tờ xác nhận, chứng minh được nước đến cho nhập cảnh, trừ trường hợp được miễn thị thực).
Trong khi đó, phương án 2 quy định công dân Việt Nam sử dụng hộ chiếu có gắn chíp điện đến các nước miễn thị thực nhập cảnh khi xuất nhập cảnh bằng Cổng kiểm soát tự động không phải đăng ký; trường hợp sử dụng hộ chiếu không gắn chíp điện tử hoặc sử dụng hộ chiếu có gắn chíp điện tử đến các nước yêu cầu phải có thị thực nhập cảnh thì phải đăng ký, khi đăng ký phải xuất trình hộ chiếu, thị thực hoặc giấy tờ xác nhận, chứng minh được nước đến cho nhập cảnh và cung cấp ảnh, vân tay. Phương án này, phù hợp với quy định tại điểm b khoản 1 Điều 35 của Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát xuất nhập cảnh góp phần phòng chống xuất nhập cảnh trái phép. Hiện, Bộ Công an đề nghị thực hiện theo Phương án 2.
Ngoài ra, Dự thảo cũng quy định đơn vị kiểm soát xuất nhập cảnh tại cửa khẩu có trách nhiệm tiếp nhận tờ khai; kiểm tra hộ chiếu, giấy tờ xuất nhập cảnh, đối chiếu thông tin trong Cơ sở dữ liệu; thu nhận ảnh, vân tay của người đăng ký và hướng dẫn sử dụng Cổng kiểm soát tự động.