Tăng cường mối quan hệ giữa Việt Nam và Lào trong công tác thi hành án dân sự

(PLO) - Từ ngày 24 đến hết ngày 28/7/2017,  Đoàn công tác của Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS) Việt Nam đã đến thăm và làm việc, trao đổi về công tác thi hành án  với Bộ Tư pháp, Vụ Quản lý thi hành án, Học viện Tư pháp, Sở Tư pháp và Phòng tổ chức thi hành án thủ đô Viên Chăn nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. 

Chuyến thăm và làm việc đã góp phần tăng cường mối quan hệ sâu sắc, thân thiết, thắm tình hữu nghị giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tư pháp Lào trong quản lý, chỉ đạo công tác thi hành án nói riêng và quan hệ giữa hai Đảng, Nhà nước Việt Nam và Lào nói chung. 

Tham dự Đoàn công tác có đồng chí Hà Hùng Cường, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp; đồng chí Nguyễn Trường Thiệp, Phó Giám đốc Học viện Tư pháp; đồng chí Mai Lương Khôi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS và một số cán bộ lãnh đạo cấp Vụ thuộc Tổng cục THADS Bộ Tư pháp, các Cục trưởng Cục THADS tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước.

Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Đoàn công tác Bộ Tư pháp Việt Nam đã có buổi hội kiến chào xã giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lào và tham dự buổi hội thảo về công tác THADS Việt Nam do Bộ Tư pháp Lào tổ chức tại Viên Chăn.

Tại buổi hội thảo, đồng chí Mai Lương Khôi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS đã thông tin những nét cơ bản, quan trọng về quá trình hình thành và phát triển công tác THADS ở Việt Nam, đặc biệt là hoàn thiện thể chế và tổ chức bộ máy THADS qua các giai đoạn, với bước ngoặt quan trọng hình thành Hệ thống tổ chức THADS theo ngành dọc từ Trung ương đến cấp huyện theo Luật THADS năm 2008.

Qua gần 10 năm thực hiện Luật THADS, với Hệ thống tổ chức THADS theo ngành dọc cho thấy là hoàn toàn đúng đắn, chứng minh bằng sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Chính phủ thống nhất quản lý, chỉ đạo công tác THADS trong phạm vi cả nước, có sự phối hợp chặt chẽ với Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao tháo gỡ kịp thời, chỉ đạo sát sao cơ quan cấp dưới kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác THADS. Bộ Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong bổ nhiệm Cục trưởng Cục THADS.

 Kết quả THADS ở Việt Nam trong nhiều năm gần đây năm sau cao hơn năm trước. Định hướng trong thời gian tới tiếp tục tập trung xây dựng và hoàn thiện thể chế công tác THADS trên các mặt công tác, bảo đảm cụ thể hóa các nguyên tắc hiến định về pháp quyền xã hội chủ nghĩa; củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác THADS; thực hiện các chủ trương, biện pháp khác, trong đó có từng bước xã hội hóa công tác THADS, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong THADS.

Nhiều đại biểu tham dự hội thảo đã đưa ra và đề nghị phía Việt Nam phân tích, đánh giá một số vấn đề lớn về công tác thi hành án.

Trong những buổi làm việc trực tiếp với Vụ Quản lý thi hành án (Judgment Enforcement Management Department) Bộ Tư pháp Lào, hai bên đã trao đổi nhiều vấn đề cụ thể về công tác THADS. Phía bạn Lào thông tin cho biết hiện nay công tác THADS ở Lào đã đạt nhiều kết quả.

Văn bản quy phạm pháp luật hiện đang điều chỉnh là Luật Thi hành án (Law on Judgment Enforcement) số 04/NA ngày 08/7/2008 gồm 64 điều. Mô hình tổ chức THADS ở Lào khá giống với Việt Nam trước khi có Luật THADS năm 2008 (từ 1993-2008). Chính phủ Lào thống nhất quản lý và chỉ đạo công tác thi hành án trong phạm vi cả nước. Bộ Tư pháp Lào giúp Chính phủ quản lý và chỉ đạo công tác thi hành án trong cả nước.

Tại Bộ Tư pháp Lào có Vụ Quản lý thi hành án, hiện có 25 công chức, gồm 01 Vụ trưởng, 03 Phó Vụ trưởng, 04 Phòng thuộc Vụ. Ở địa phương, cấp tỉnh có Phòng Thi hành án thuộc Sở Tư pháp, cơ quan trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, ở cấp huyện có Đội Thi hành án thuộc Phòng Tư pháp, cơ quan trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện. Về cơ chế quản lý thi hành án, ở Trung ương quản lý về chuyên môn nghiệp vụ THADS, ở địa phương quản lý về cán bộ và cơ sở vật chất; cả nước có 488 Chấp hành viên. Án tồn chuyển từ năm trước sang hơn 20.000 vụ, 06 tháng đầu năm 2016 thụ lý mới 2.921 vụ.

Đoàn công tác của Việt Nam đã trao đổi những vấn đề phía Lào nêu ra và khuyến nghị những vấn đề đặt ra khi xây dựng Luật Thi hành án.

Thăm và làm việc tại Phòng Tổ chức thi hành án Sở Tư pháp thủ đô Viên Chăn, được biết thủ đô Viên Chăn có Phòng Tổ chức thi hành án và 9 Đội thi hành án cấp huyện. Toàn thủ đô Viên Chăn thụ lý thi hành từ đầu năm 2017 có 9.698 vụ án, trong đó riêng Phòng Tổ chức thi hành án thủ đô Viên Chăn có 7.528 vụ án; 9 đơn vị cấp huyện có 2170 vụ án, trong đó 778 vụ dân sự, 1.392 vụ hình sự. Các đại biểu của Lào tham dự buổi làm việc cũng đưa ra nhiều câu hỏi đề nghị Đoàn công tác của Việt Nam thông tin, trao đổi.

Kết quả qua các buổi làm việc, phía Lào đánh giá cao những thông tin, phân tích, đánh giá, khuyến nghị về công thi hành án đối với Lào, cũng như công tác THADS của Việt Nam. Những phân tích, đánh giá, khuyến nghị của Đoàn công tác Việt Nam là cơ sở quan trọng cho Bộ Tư pháp, Vụ Quản lý thi hành án Lào định hướng xây dựng Luật Thi hành án (sửa đổi) báo cáo Chính phủ trình Quốc hội thông qua trong năm 2018 cũng như là kinh nghiệm lớn cho việc quản lý, chỉ đạo công tác thi hành án ở Lào đạt kết quả cao hơn trong thời gian tới.

Đọc thêm