Đồng chủ trì Hội nghị là Phó Cục trưởng Cục PBGDPL&TGPL Ngô Quỳnh Hoa; Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và Người khuyết tật Việt Nam Lê Văn Lộc; Ủy viên Ban Chấp hành, Giám đốc Trung tâm dạy nghề VAIDE Triệu Thị Hoa.
Phát biểu khai mạc, Phó Cục trưởng Cục PBGDPL&TGPL Ngô Quỳnh Hoa cho biết, có thể khẳng định trong thời gian qua, người khuyết tật có vai trò quan trọng trong việc tạo ra của cải vật chất cho xã hội, có thu nhập để nuôi sống bản thân và phụ giúp gia đình.
Việc làm giúp người khuyết tật tự tin vượt qua khó khăn, hòa nhập vào cộng đồng, đồng thời đóng góp vào sự phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội. Vì vậy, Đảng, Nhà nước và xã hội luôn quan tâm đến người lao động, đặc biệt là người lao động khuyết tật thông qua việc đã ban hành, triển khai nhiều chủ trương, chính sách chăm lo, bảo đảm quyền và phát huy vai trò của người khuyết tật, người lao động, qua đó nhằm góp phần thúc đẩy tiến bộ xã hội và phát triển bền vững.
|
Phó Cục trưởng Cục PBGDPL&TGPL Ngô Quỳnh Hoa. |
Hội nghị được tổ chức nhằm góp phần tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật cho người lao động khuyết tật. Tại Hội nghị, báo cáo viên pháp luật trình bày các quy định pháp luật hiện hành về người lao động khuyết tật và các quy định trong Bộ Luật lao động năm 2019, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024…
Đặc biệt, Hội nghị là diễn đàn để Cục PBGDPL&TGPL lắng nghe, nắm bắt, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc và đề xuất các kiến nghị, giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ thông tin, PBGDPL cho người khuyết tật cũng như các doanh nghiệp hiện đang sử dụng đội ngũ người lao động là người khuyết tật trong thời gian tới.
|
Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và Người khuyết tật Việt Nam Lê Văn Lộc. |
Hiện nay, Cục PBGDPL&TGPL cũng đang tham mưu giúp Lãnh đạo Bộ triển khai Chương trình số 81 về hỗ trợ pháp lý liên ngành cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Vì vậy, Cục PBGDPL&TGPL rất mong các đại biểu tham dự Hội nghị tích cực trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp với các cơ quan có thẩm quyền nhằm góp phần nâng cao năng lực tiếp cận pháp luật cho lao động khuyết tật và cho chính bản thân các doanh nghiệp có sử dụng đội ngũ lao động khuyết tật này.
Đồng phát biểu khai mạc, Uỷ viên Ban Chấp hành, Giám đốc Trung tâm day nghề VAIDE Triệu Thị Hoa cho biết, Hiệp hội nhận thấy việc tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật cho người khuyết tật luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, rất cần thiết để nâng cao nhận thức cũng như tăng cường hiểu biết pháp luật về các vấn đề việc làm, đào tạo nghề để đảm bảo có một nghề sinh kế ổn định cho người khuyết tật. Qua đó nhằm góp phần thúc đẩy mạnh mẽ công tác an sinh xã hội, tạo việc làm, tạo thu nhập bền vững cho thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách, người khuyết tật.
|
Ủy viên Ban Chấp hành, Giám đốc Trung tâm dạy nghề VAIDE Triệu Thị Hoa. |
Tuy nhiên, việc tiếp cận với các chính sách pháp luật vẫn còn hạn chế. Do đó, việc tổ chức Hội nghị tập huấn trong thời điểm tháng 5 là tháng cao điểm về an toàn lao động có ý nghĩa hết sức quan trọng. “Tôi tin tưởng rằng tại Hội nghị này, các doanh nghiệp có sử dụng lao động là người khuyết tật và người khuyết tật nói riêng sẽ được tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức pháp luật về các vấn đề liên quan đến đào tạo nghề, việc làm và lao động đối với người khuyết tật”, bà Triệu Thị Hoa nói.
Đặc biệt, trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân cùng bước vào “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” như hiện nay, nhận thức của người khuyết tật nói riêng, cộng đồng xã hội về người khuyết tật ngày càng được nâng cao; người khuyết tật ngày càng được thụ hưởng từ các chủ trương, chính sách của Đảng và quy định pháp luật của Nhà nước, tham gia đầy đủ vào mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; quyền của người khuyết tật ngày càng được đảm bảo cũng như việc thực hiện nghĩa vụ công dân của người khuyết tật cũng từng bước được thực hiện hiệu quả… Đồng thời, nhu cầu tiếp cận thông tin chính sách, pháp luật của người khuyết tật ngày càng lớn, vai trò tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho doanh nghiệp và người lao động cũng vì thế phát triển theo.
Bà Triệu Thị Hoa mong muốn trong thời gian tới, Lãnh đạo Cục PBGDPL&TGPL tiếp tục quan tâm tạo điều kiện tổ chức nhiều Hội nghị tập huấn, tuyên truyền về các chính sách pháp luật cho các doanh nghiệp và người lao động trên toàn quốc đặc biệt là về Luật việc làm, Luật bảo hiểm xã hội, Luật an toàn, vệ sinh lao động… nhằm giúp cho nhiều doanh nghiệp và người khuyết tật được nâng cao kiến thức về các chính sách pháp luật để làm việc, đóng góp cho xã hội ngày càng hiệu quả.
|
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. |
Tại Hội nghị, T.S Lê Văn Đức – Giảng viên Trường Đại học Luật Hà Nội đã trình bày chuyên đề phổ biến khiến thức pháp luật liên quan đến người lao động khuyết tật; TS Nguyễn Huy Khoa giới thiệu những điểm mới cơ bản của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024.
Kết thúc hội nghị, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và Người khuyết tật Việt Nam Lê Văn Lộc gửi lời cảm ơn Cục PBGDPL&TGPL, gửi lời cảm ơn các đại biểu tham gia. Theo ông Lộc, để nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, tiến tới mục tiêu thực hiện hóa quy định của pháp luật về quyền lao động và việc làm của người khuyết tật Việt Nam, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp người khuyết tật, quyền lao động và việc làm của người khuyết tật là hết sức cần thiết./.