Theo đánh giá của Bộ Tư pháp, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại Việt Nam thời gian qua đã được triển khai với nhiều hình thức đa dạng, phù hợp với từng đối tượng được hỗ trợ. Tuy nhiên, bên cạnh những thành công và kết quả đáng ghi nhận, tạo được dấu ấn trong cộng đồng doanh nghiệp thì vẫn còn những khó khăn, bất cập nhất định.
Theo đó, sự quan tâm của các bộ, ngành, địa phương trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp vẫn còn những hạn chế, nhiều nơi mới chỉ dừng lại chủ trương ban hành chưa đi vào thực hiện cụ thể. Đến đầu năm 2021, nhiều bộ, cơ quan ngang bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương vẫn chưa ban hành Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong từng giai đoạn hoặc hàng năm theo yêu cầu của Nghị định số 55/2019/NĐ-CP. Do đó, chưa có cơ sở để triển khai các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong ngành, lĩnh vực và địa phương. Công tác phối kết hợp giữa bộ, ngành và giữa bộ, ngành với địa phương, giữa các cơ quan quản lý nhà nước với các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp còn hạn chế.
Nhân lực thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của bộ, ngành và địa phương còn kiêm nhiệm, cơ sở vật chất và phương tiện thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý liên ngành còn hạn chế và chưa đáp ứng được nhu cầu; chế độ thù lao cho các cán bộ thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp vẫn chưa đủ để mang tính khuyến khích cũng như tạo điều kiện cho nhân sự thực hiện công tác này.
Việc cân đối và bố trí kinh phí cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp; định mức kinh phí với nhiều hoạt động còn thấp so với thực tiễn triển khai thực tế dẫn đến khó khăn. Nhiều địa phương không bố trí kinh phí riêng cho việc triển khai hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong khi kinh phí dành cho Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành còn hạn chế, công tác truyền thông chưa được đầu tư thỏa đáng.
Vì vậy, việc xã hội hóa là rất cần thiết đối với công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo đó, cần huy động thêm nguồn lực kinh phí cho công tác này, nhất là nguồn lực của các doanh nghiệp, tổ chức đại diện cho doanh nghiệp. Cùng với đó, cần huy động sự tham gia của các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp, tổ chức dịch vụ pháp lý trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua các hoạt động như xây dựng, duy trì, cập nhật, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu pháp luật; xây dựng và thực hiện các chương trình hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp tại các bộ, cơ quan ngang bộ, các tỉnh, thành phố trực thuộc cho Trung ương.
Để thực hiện việc xã hội hóa, cần xây dựng lộ trình, kế hoạch cụ thể để đảm bảo rõ ràng các nội dung, hoạt động cần xã hội hóa để huy động nguồn lực trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Đồng thời cần xác định hoạt động xã hội hóa là hoạt động quan trọng trong Đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2030.
Cùng với đó, cần xây dựng, triển khai Quy chế phối kết hợp trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Đây sẽ là căn cứ, cơ sở quan trọng để các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp và doanh nghiệp có căn cứ, cơ sở thực hiện mạnh mẽ các hoạt động này trong thời gian tới.
Mặt khác, Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa quy định mức hỗ trợ tư vấn doanh nghiệp nhỏ và vừa thấp nhất là 50 triệu đồng/năm/doanh nghiệp và cao nhất là 200 triệu đồng/năm/doanh nghiệp (cao gấp 10 lần so với mức tư vấn pháp luật theo quy định của Nghị định số 55/2019/NĐ-CP). Tuy nhiên, để sử dụng thiết thực hiệu quả kinh phí này, cần sớm nghiên cứu sửa đổi mức kinh phí tư vấn pháp luật được quy định tại Nghị định số 55 để phù hợp với Nghị định số 80. Cùng với đó, cần sử dụng hiệu quả mạng lưới tư vấn pháp luật là các Luật sư do Bộ Tư pháp đã công nhận theo Danh sách mạng lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp.
Việc xã hội hóa công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ huy động thêm các nguồn lực để nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý trong thời gian tới. Tuy nhiên, cần quản lý, sử dụng hiệu quả, công khai, minh bạch nguồn kinh phí này để thu hút các nguồn lực kinh phí của các cơ quan, tổ chức cho công tác này.