Tăng kiểm tra việc chống buôn lậu, hàng giả dịp Tết

(PLO) - Dù có nhiều nỗ lực nhưng năm 2015, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả buôn lậu “chưa hạ nhiệt”. Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh trái phép, vi phạm an toàn thực phẩm, sở hữu trí tuệ, hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn diễn biến khá phức tạp, có nhiều diễn biến mới.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng BCĐ 389 quốc gia chủ trì Hội nghị

Chiều nay (11/12), Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389 quốc gia) tổng kết công tác năm 2015 và phương hướng nhiệm vụ công tác năm 2016.

Chủ trì Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc – Trưởng BCĐ nhấn mạnh, cần xác định hiệu quả của các biện pháp và trách nhiệm trong phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả để tìm ra giải pháp mới, đặc biệt trong việc củng cố lực lượng chức năng để tăng cường hiệu quả công tác này.

Đấu tranh “đơn lẻ, cục bộ” nên vi phạm tràn lan

Báo cáo kết quả công tác năm 2015, BCĐ 389 quốc gia cho biết, với sự điều hành, chỉ đạo của BCĐ 389 quốc gia, các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan chức năng đã đấu tranh, bắt giữ, xử lý hiệu quả các đối tượng vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, góp phần ổn định tình hình an ninh – chính trị, kinh tế - xã hội, được nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao.

Tuy nhiên, năm 2015, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả buôn lậu “chưa hạ nhiệt”. Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh trái phép, vi phạm an toàn thực phẩm, sở hữu trí tuệ, hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn diễn biến khá phức tạp, có nhiều diễn biến mới.

Nguyên nhân là do hệ thống văn bản, chính sách pháp luật chưa đồng bộ, còn chồng chéo, bất cập nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung, chưa tháo gỡ được khó khăn cho các lực lượng chức năng trong thực thi nhiệm vụ. Việc xử lý các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới và sản xuất, kinh doanh hàng giả vẫn chiếm tỷ lệ nhỏ, chưa tương xứng với tình hình thực tế, chưa tạo được hiệu quả răn đe đối với tội phạm trong lĩnh vực này.

Trong khi đó, công tác phối hợp, trao đổi thông tin, hiệp đồng đấu tranh giữa các địa phương, lực lượng chức năng các Bộ, ngành còn hạn chế, thiếu thường xuyên, chưa tạo thành hệ thống đồng bộ, chưa có kế hoạch, chuyên đề, chuyên án phối hợp đấu tranh bắt giữ giữa các tỉnh, liên tỉnh, các đơn vị Trung ương và địa phương. Việc triển khai các kế hoạch đấu tranh vẫn đơn lẻ, cục bộ nên chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống.

Phối hợp phải được đặt lên hàng đầu

Theo kiến nghị của các địa phương, cần tăng cường sự phối hợp trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, quy chế phối hợp trong phòng chống buôn lậu cần được đặt lên hàng đầu. Đặc biệt cần huy động sự chung tay, vào cuộc của người dân trong cuộc chiến này. Đại diện một số BCĐ cấp tỉnh cũng kiến nghị tăng kinh phí cho việc kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, trang bị phương tiện chuyên dùng để chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả hiện “vừa thiếu, vừa lạc hậu”.

Để tiếp tục duy trì, phát huy những kết quả đạt được, từng bước nâng cao hiệu quả công tác điều hành, chỉ đạo các lực lượng trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, năm 2016, BCĐ 389 quốc gia sẽ tập trung tiếp tục sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách liên quan đến công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đảm bảo thuận lợi cho các lực lượng chức năng trong thực thi nhiệm vụ.

Tăng cường kiểm tra, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại các Bộ, ngành, địa phương, nhất là tại các địa bàn, lĩnh vực, mặt hàng trọng điểm. Trước mắt triển khai các Đoàn kiểm tra trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyến đán 2016.

Cùng với đó, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động quàn chúng nhân dân đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tăng cường phòng chống tiêu cực, tham nhũng của cán bộ, công chức các lực lượng chức năng từ TƯ đến địa phương; chỉ đạo khen thưởng, động viên kịp thời đối với tập thể, cá nhân có thành tích, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, có dấu hiệu, hành vi tiếp tay cho buôn  lậu.

Từng bước xã hội hóa công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thông qua việc tăng cường  phối hợp, trao đổi thông tin, hỗ trợ của các hiệp hội, tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả kết nối với các Bộ, ngành, địa phương phục vụ công tác chỉ đạo, kiểm tra, xử lý vi phạm...
Khởi tố 1.123 vụ/1.281 đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại 

Tính đến ngày 15/11, các Bộ, ngành, địa phương đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 186.989 vụ việc vi phạm (tăng 6,47% so với cùng kỳ năm 2014), thu nộp ngân sách nhà nước từ tiền xử phạt vi phạm hành chính, bán hàng tịch thu và công tác thanh, kiểm tra, truy thu thuế ước đạt 11.535 tỷ 863 triệu đồng (tăng 5,75% so với cùng kỳ năm 2014); khởi tố 1.123 vụ/1.281 đối tượng.

Đọc thêm