Con tàn tật cắt tay lấy máu viết huyết thư cầu cứu giúp mẹ

(PLO) - Mang trên mình căn bệnh xương thủy tinh từ ngày mới lọt lòng, trước những đòn roi ngày ngày phải chịu đựng và sự bất công mà người mẹ đẻ phải cam chịu, Trần Văn Hà (SN 1990, trú tại khối 1, thị trấn Quỳ Hợp, Nghệ An) đã cắt 10 đầu ngón tay lấy máu viết đơn cùng mẹ đi tìm công lý.
Con tàn tật cắt tay lấy máu viết huyết thư cầu cứu giúp mẹ
Đẫm nước mắt cuộc tình không trọn vẹn
Vừa qua, trên mạng xã hội đăng một đoạn video dài hơn 17 phút về hình ảnh một chàng trai tật nguyền mang bệnh xương thủy tinh lấy lưỡi lam cắt 10 đầu ngón tay viết thư cầu cứu các cơ quan chức năng về một bản án mà anh cho là oan ức của mẹ mình. 
Nam thanh niên trong đoạn video được xác định là Trần Văn Hà, trú tại Quỳ Hợp, Nghệ An. Hà đã chia sẻ về sự oan khuất trong việc chia tài sản khi ly hôn giữa bố và mẹ.
“Bản thân em là người khuyết tật, không mong muốn gì hơn ngoài việc đòi lại sự công bằng cho mẹ em…” - Hà mở đầu đoạn video bằng những lời nấc nghẹn. 
Theo video chia sẻ: “Từ lúc lấy chồng, mẹ bị bố đánh đập, hành hạ mà không có ai chia sẻ, giúp đỡ, sau khi ly hôn hầu như toàn bộ tài sản đều bị gia đình bố lấy hết. Mẹ em nghèo, hai bàn tay trắng, đi kêu oan nhiều nơi nhưng không có ai giúp đỡ. 
Vì thế, bất đắc dĩ em phải lấy lưỡi lam cắt 10 đầu ngón tay của mình để viết đơn gửi các cấp, các ngành đòi lại sự công bằng cho mẹ con em”. 
Sau khi video được chia sẻ, cộng đồng mạng đã hết sức xúc động, đã động viên Hà và cũng tỏ ra bức xúc đối với sự việc diễn ra theo như video Hà chia sẻ. 
Lần theo địa chỉ trong đoạn video clip trên, phóng viên đã đi hơn 100km từ trung tâm thành phố Vinh về Quỳ Hợp để gặp chị Nguyễn Thị Lâm (SN 1968, mẹ đẻ của Hà) tìm hiểu sự thật. 
Chị Lâm nghẹn ngào kể, năm 1986 chị lập gia đình với ông Trần H.H. (SN 1959), những ngày đầu cuộc hôn nhân khá êm ấm và hạnh phúc. Khi đứa con đầu lòng chào đời cũng là bắt đầu của những chuỗi ngày dài chị sống trong tăm tối do người chồng thường xuyên nhậu nhẹt, chửi bới rồi đánh. 
“Thấy tui cực khổ, bố mẹ đẻ nói về nhà sống, nhưng vì chồng lại tỏ ra ăn năn sau những lần say, tin chồng tôi lại tha thứ. Nhưng chỉ được thời gian ngắn, ông ấy lại chuyển sang trai gái, bồ bịch, nhậu say lại về tìm vợ con đuổi ra khỏi nhà và đánh đập. 
Tui đã nhiều lần nghĩ đến cái chết nhưng vì các con, tui không làm được…” - chị Lâm gạt nước mắt.
Lần lượt ba đứa con ra đời, trong đó Hà là con trai thứ hai bị tật nguyền vì căn bệnh xương thủy tinh nhưng người chồng không biết thương vợ con mà tu tỉnh lại. Năm 1997, cực chẳng đã chị Lâm quyết định làm đơn ly hôn. 
lThương mẹ, Hà đã cắt tay lấy máu chấm vào đơn để giúp mẹ đi đòi công lý.
lThương mẹ, Hà đã cắt tay lấy máu chấm vào đơn để giúp mẹ đi đòi công lý. 
Hành trình 20 năm đòi công lý và lá đơn thấm máu
Khi hai vợ chồng ly hôn, Hà còn bé và tật nguyền nên chị Lâm đành ngậm ngùi để Hà về sống với chồng với hi vọng con được sống đầy đủ hơn. Nào ngờ, khi Hà về nhà bố sinh sống với người mẹ kế thì bị phân biệt đối xử, đánh đập khiến nhiều lần Hà đã tìm đến cái chết. Xót con,  chị Lâm đã đón con về nuôi. 
Cầm trên tay tập dày những bản án ly hôn được tòa xử, chị Lâm run run kể: “Những tài sản là của chung hai vợ chồng làm ra đã được kê khai, trong đó có 23ha rừng nhận trồng của lâm trường từ năm 1995, khi đo đạc lại xác định gần 18ha rừng có sản lượng. Nhưng trong bản án, TAND huyện Quỳ Hợp chỉ chia cho tui được 28 triệu công 4 năm chăm sóc. 
Bất công quá, tui đã không đồng ý với quyết định đó. Tại phiên phúc thẩm, HĐXX đã quyết định chia cho tui được hơn 400 triệu, nhưng chồng cũ lại kháng cáo đòi chia lại...”. 
Sau đó, khi khu rừng đến thời gian thu hoạch, người chồng đã bán toàn bộ 17,9ha rừng nhưng chị Lâm và hai đứa con vẫn không nhận được đồng nào từ số tiền bán khu rừng đó. Chị Lâm cũng yêu cầu làm rõ khoản tiền hỗ trợ của Nhà nước đối với đứa con trai khuyết tật. 
Từ năm 2007, Hà về sống với mẹ, mỗi tháng Hà được Nhà nước trợ cấp tiền chế độ khuyết tật nhưng ông H. nhận mà không đưa cho chị Lâm để nuôi Hà. 
Theo tính toán của Hà thì từ năm 2007 đến năm 2014, bố đã nhận khoản tiền trợ cấp 24.360.000 đồng của Hà về chế độ tàn tật nhưng Hà không được hưởng.
Trong căn nhà tuềnh toàng không có gì giá trị của mẹ con Hà, Hà xuất hiện trong bộ dạng như đứa trẻ lên 5 dù đã 25 tuổi đời. Thân hình co quắp, bản thân Hà không thể tự chủ động sinh hoạt nhưng với em, “nỗi đau bệnh tật không lớn bằng nỗi đau bị chính người bố đẻ của mình ruồng rẫy, bạo hành”. 
Thương mẹ một mình đi tìm công lý, lại vừa tất bật mưu sinh đủ kiểu để lo cho ba anh em có cái ăn, cái mặc, sau thời gian nung nấu, Hà đã quyết định giúp mẹ với cách trên. 
Nằm co quắp trên chiếc giường, nghe câu chuyện mẹ kể với phóng viên, thi thoảng Hà lại run lên vì đau đớn, những giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt khiến ai cũng chạnh lòng…

Đọc thêm