Tăng lương cho người lao động chính là đầu tư cho tương lai

(PLVN) - Chiều 26/4, tại trụ sở Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) đã diễn ra Hội thảo khoa học “Tăng lương và vấn đề ổn định thị trường lao động, phát triển sản xuất kinh doanh”. Hội thảo diễn ra dưới sự chủ trì của ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng LĐLĐVN, Phó chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia và ông Vũ Minh Tiến, Viện trưởng viện Công nghệ Công đoàn Tổng LĐLĐVN.

Quang cảnh buổi Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Ngọ Duy Hiểu cho biết, Hội thảo diễn ra trong bối cảnh cả nước đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế; đồng thời Hội đồng tiền lương Quốc gia vừa “chốt” đề xuất Chính phủ xem xét tăng mức lương tối thiểu vùng 6% từ 1/7/2022 sau gần 2 năm “lỗi hẹn” với người lao động.

Tại Hội thảo, ông Vũ Minh Tiến đã nêu báo cáo tình hình lao động, tiền lương, thu nhập, chi tiêu và đời sống của người lao động năm 2022 do Tổng LĐLĐVN thực hiện trong tháng 3/2022. Ông Tiến nhận định, nếu không làm thêm giờ, tiền lương cơ bản của người lao động chỉ ở mức trung bình 4,92 triệu đồng/tháng. Hầu hết những gia đình công nhân sẽ rơi vào khó khăn, túng quẫn ngay cả khi họ không làm thêm giờ. Lao động là nguồn lực quý giá nhất của mọi doanh nghiệp, vì vậy, người lao động phải được bảo đảm cuộc sống – sống để làm việc, chứ không phải làm việc để sống và do đó họ cần được bảo đảm tiền lương để chi trả cuộc sống bản thân và gia đình họ. Chỉ khi tiền lương được quan tâm và tương xứng với năng suất, sự cống hiến của họ thì mới động viên và yêu cầu họ làm việc với năng suất, chất lượng, hiệu quả và mang lại doanh thu và lợi nhuận lớn hơn cho doanh nghiệp, cho sự phát triển của đất nước.

Ông Vũ Minh Tiến, Viện trưởng viện Công nghệ Công đoàn Tổng LĐLĐVN phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu kết luận Hội thảo, ông Ngọ Duy Hiểu cho biết, tăng lương là tăng chi phí cho doanh nghiệp, nhưng tăng lương cũng chính là khoản đầu tư sinh lời mạnh bởi nó giúp người lao động có thêm hứng thú và động lực để làm việc với năng suất cao hơn, chất lượng tốt, giúp doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh nhanh hơn, bền vững hơn. Vì vậy, chăm lo cho người lao động chính là nguồn đầu tư cho đất nước phát triển bền vững.

Ngoài ra, ông Hiểu nhấn mạnh cần chăm lo cho người lao động không chỉ ở thế hệ này mà còn là thế hệ sau của họ, bởi nếu trẻ em thiếu dinh dưỡng, không được học hành đến nơi đến chốn thì đất nước sẽ phải gánh chịu hậu quả của thế hệ sau, làm cho khoảng cách giàu nghèo trong nước càng xa.

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng LĐLĐVN , Phó chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia phát biểu kết thúc Hội thảo.

Ghi nhận những đóng góp thiết thực của các đại biểu tại Hội thảo, ông Ngọ Duy hiểu cho rằng, những gặt hái của Hội thảo hôm nay giúp chúng ta lý giải được băn khoăn của xã hội cũng là băn khoăn của dư luận về mối quan hệ giữa tăng lương với ổn định thị trường lao động và phát triển khối sản xuất, giúp ta thấy được từ nhiều góc nhìn khác nhau. Những công trình nghiên cứu của các đại biểu đã giúp Tổng LĐLĐVN cũng như Hội đồng tiền lương quốc gia bổ sung và có những đề xuất về mặt chính sách trình Quốc hội về việc tăng lương tối thiểu 6% là phù hợp và cấp thiết trong bối cảnh lao động hiện nay.

Đọc thêm