Nhằm truyền thông đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết số 173/2024/QH15 của Quốc hội về cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và thực thi các chính sách hiệu quả trong hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá, Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) tổ chức Hội thảo chia sẻ thông tin về hoạt động Phòng, chống tác hại của thuốc lá vào sáng nay, 8/5, tại Khách sạn La Thành, Hà Nội.
Tham dự hội thảo có Ths. Phan Thị Hải - Phó Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại (PCTH) thuốc lá, chủ trì hội thảo; TS. Nguyễn Minh Hằng - Phó Cục trưởng Cục phòng bệnh, Bộ Y tế; TS. Nguyễn Ngọc Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Phát triển (DEPOCEN); Ths. Nguyễn Thị Thu Hương - Phụ trách phòng Nghiệp vụ, Quỹ PCTH thuốc lá; Cùng đại diện các tổ chức y tế, nhiều cơ quan, đơn vị và các cơ quan báo chí, truyền hình.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Ths. Phan Thị Hải - Phó Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, nhấn mạnh, ngày 30/11/2024, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết số 173/2024/QH15 tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV. Đây là một dấu mốc quan trọng thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Nhà nước trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Theo nội dung của Nghị quyết, kể từ năm 2025, Quốc hội thống nhất cấm hoàn toàn việc sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, cùng các loại khí và chất gây nghiện, gây hại đến sức khỏe con người.
Bên cạnh đó, công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cho người dân – đặc biệt là thanh thiếu niên – về tác hại của rượu, bia, thuốc lá và các chất gây nghiện sẽ tiếp tục được đẩy mạnh.
“Đây là một bước tiến lớn trong chính sách y tế cộng đồng, được bạn bè quốc tế và khu vực đánh giá rất cao.”, Ths. Phan Thị Hải nhận định.
“Trong thời gian tới, Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận sâu hơn về các chính sách thuế, đặc biệt là đối với những sản phẩm có hại cho sức khỏe như thuốc lá, rượu, bia… Hội thảo hôm nay là cơ hội quan trọng để chúng ta cùng chia sẻ thông tin, phân tích thực tiễn và đề xuất các giải pháp chính sách về thuế, trong đó có nội dung tăng thuế thuốc lá – một trong những công cụ hữu hiệu nhằm giảm tỷ lệ sử dụng sản phẩm gây hại trong cộng đồng”, Ths. Phan Thị Hải nói.
Tại hội thảo, Ths. Phan Thị Hải cũng đã trình bày tham luận “Tăng thuế thuốc lá - Giải pháp hiệu quả giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá”. Tham luận đã nêu rõ các nội dung về Chính sách thuế có vai trò như thế nào trong phòng, chống tác hại của thuốc lá?; Bài học kinh nghiệm của các nước về tăng thuế thuốc lá; Tại sao cần tăng cao thuế thuốc lá tại Việt Nam? Thực trạng thuế và giá thuốc lá tại Việt Nam; Phương án tăng thuế nào có thể giúp đạt mục tiêu quốc gia của Việt Nam vào năm 2030 về giảm tỷ lệ hút thuốc lá?.
|
Ths. Phan Thị Hải - Phó Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá trình bày tham luận tại hội thảo |
Tham gia trình bày tham luận với chủ đề: “Thuế thuốc lá - Tác động và bằng chứng”, TS. Nguyễn Ngọc Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Phát triển (DEPOCEN) cũng đã nêu rõ các nội dung về Tăng thuế liệu có ảnh hướng tới sản xuất hay ngân sách, kinh tế không? Tăng thuế có gia tăng buôn lậu thuốc lá không? Có nên giãn lộ trình tăng thuế thuốc lá không? Và câu trả lời cho những câu hỏi đặt ra như trên đều là "Không".
|
TS. Nguyễn Ngọc Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Phát triển (DEPOCEN) trình bày tham luận tại hội thảo |
Chia sẻ về công tác truyền thông tại hội thảo, ThS. Nguyễn Thị Thu Hương - Phụ trách Phòng Nghiệp vụ, Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá cho biết: “Khi xây dựng kế hoạch truyền thông vận động tăng thuế thuốc lá, chúng tôi đã có nhiều trăn trở. Cuối cùng, chúng tôi lựa chọn tên gọi ‘Chiến dịch truyền thông vận động tăng thuế’ – một cách tiếp cận rõ ràng và đúng trọng tâm. Tuy nhiên, điều quan trọng là cần vận động để mức thuế được điều chỉnh theo hướng tăng mạnh, tạo ra tác động đột phá. Trên thực tế, thuế thuốc lá từng được điều chỉnh trước đây, nhưng nếu chỉ tăng ở mức khiêm tốn thì rất khó đạt được hiệu quả kỳ vọng về mặt sức khỏe cộng đồng.”
Ths. Nguyễn Thị Thu Hương thông tin thêm: “Liên quan đến việc triển khai Nghị quyết 173/2024/QH15 của Quốc hội, trong thời gian qua, chúng ta đã có nhiều nỗ lực trong công tác truyền thông đến cộng đồng. Tuy nhiên, theo quan sát của tôi, sau khi có nghị quyết cấm, hành vi sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng có xu hướng chuyển từ công khai sang âm thầm, kín đáo hơn. Thậm chí, trên các nền tảng mạng xã hội, vẫn tồn tại nhiều hội nhóm mua bán, trao đổi các sản phẩm này.
Vì vậy, một trong những thách thức lớn hiện nay là làm thế nào để công tác truyền thông thực sự chạm đến người dân – đặc biệt là giới trẻ – giúp họ hiểu đúng, hiểu đủ về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng; đồng thời tuân thủ nghiêm việc không mua bán, sử dụng các sản phẩm bị cấm. Đây là bài toán không dễ, cần sự kiên trì và sáng tạo trong thời gian tới.”
|
ThS. Nguyễn Thị Thu Hương - Phụ trách Phòng Nghiệp vụ, Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá chia sẻ về công tác truyền thông tại hội thảo |
Chia sẻ thêm về công tác truyền thông trong thời gian tới, Ths. Nguyễn Thị Thu Hương cho biết, Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá đang xây dựng kế hoạch truyền thông hướng tới năm 2026. Kế hoạch sẽ bao gồm các mục tiêu cụ thể, xác định rõ nhóm đối tượng cần tác động, lựa chọn các kênh truyền thông phù hợp cũng như triển khai các hoạt động thiết thực, nhằm tăng cường hiệu quả tuyên truyền và vận động chính sách.