Thuế tiêu thụ đặc biệt thuốc lá - chính sách tài khóa hỗ trợ tăng trưởng kinh tế
Một số nghiên cứu cho thấy, chi phí hàng năm do bệnh tật, tử vong gây ra bởi tiêu dùng thuốc lá là 108.000 tỷ đồng/năm (tương đương 1,14% GDP năm 2022). Con số này lớn hơn gấp 5 lần so với đóng góp của nguồn thu thuế thuốc lá cho ngân sách quốc gia.
Tại Việt Nam, thuốc lá gây ra 85.000 ca tử vong mỗi năm, hút thuốc lá thụ động gây ra 18.800 ca tử vong. Hàng năm, có 104.300 ca tử vong/năm vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá.
Ngoài ra, chi phí ô nhiễm môi trường do thuốc lá (phá rừng, rác thải nhựa, ô nhiễm nước biển...) là 99.000 tỷ đồng/năm (tương đương 1,04% GDP); Hàng năm việc sử dụng thuốc lá làm mất đi tổng cộng 21,8 triệu giờ lao động của người Việt Nam; Tiêu dùng thuốc lá đang lấn át chi tiêu cho giáo dục, nhất là ở các hộ nghèo. Điều này cũng dẫn đến chi tiêu thuốc lá tiêu tốn ngân sách hộ gia đình…
Theo ThS. Phạm Văn Long - Giám đốc, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS), tỷ lệ hút thuốc lá cao tại Việt Nam đang để lại nhiều hệ lụy nghiêm trọng về mặt sức khỏe, kinh tế và xã hội. Tuy nhiên, việc tăng thuế thuốc lá tại Việt Nam vẫn gặp rào cản từ các lập luận cho rằng việc tăng thuế có thể gây gánh nặng cho nhóm thu nhập thấp hoặc có thể làm gia tăng buôn lậu.
“Đã có nhiều bằng chứng cho thấy những lo ngại này không hoàn toàn xác đáng. Do đó, việc phân tích vai trò của thuế thuốc lá trong toàn bộ hệ sinh thái kinh tế - xã hội là rất cần thiết. Trong bối cảnh Việt Nam đang hướng đến các chính sách tài khóa vì sự phát triển bền vững, tăng thuế thuốc lá là một giải pháp được khuyến nghị mạnh mẽ nhằm giảm nhu cầu tiêu thụ, cải thiện sức khỏe cộng đồng, đồng thời tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước”, ông Long khuyến nghị.
Theo chuyên gia kinh tế - Thạc sĩ Đào Thế Sơn, thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) thuốc lá giúp cân bằng ngân sách, phục vụ nhu cầu đầu tư phát triển và phát triển bền vững. Chậm tăng thuế TTĐB thuốc lá khiến ngân sách mất đi nguồn thu khoảng 8-9 nghìn tỷ đồng/năm trong giai đoạn 2020-2021.
"Mặc dù, thuế TTĐB thuốc lá có thể giảm phần doanh thu giữ lại của doanh nghiệp, nhưng phần đóng góp ngân sách tăng lên và tổng cộng đóng góp chung cho nền kinh tế vẫn tăng. Việc tăng thuế không chỉ có thể làm giảm tỉ lệ người sử dụng mà còn giảm thời gian lao động bị mất đi do ốm đau, bệnh tật; giảm chi phí y tế, môi trường… Thuế TTĐB đối với thuốc lá nên được coi là một chính sách tài khóa hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Việt Nam cần mạnh dạn tăng thuế TTĐB để có thể nâng cao chất lượng tăng trưởng và tăng trưởng bền vững", chuyên gia nhấn mạnh đồng thời đề xuất nên tăng thuế từ mức 5.000 đồng/bao từ năm 2026 (thuế tuyệt đối) và tăng dần tới 15.000 đồng/bao vào năm 2030.
Không nên trì hoãn việc tăng thuế TTĐB thuốc lá
Từ năm 2008 đến 2019, Việt Nam mới chỉ thực hiện 3 lần tăng thuế TTĐB thuốc lá nhưng mức tăng thuế mỗi lần thấp chỉ là 5% và khoảng cách thời gian giữa các lần tăng thuế khá dài ( Năm 2006, tăng mức thuế từ 55% lên 65%; Năm 2016 (sau 8 năm) tăng từ 65% lên 70%; Năm 2019 (sau 3 năm): tăng từ 70% lên 75%. Chuyên gia kinh tế Đào Thế Sơn cho rằng, chính sách thuế không có tác động do tăng ở mức thấp và thời gian giãn dài.
Trước thực trạng các doanh nghiệp thuốc lá đề nghị lùi thời gian tăng thuế TTĐB, vị chuyên gia này nhấn mạnh: "Các con số thống kê cho thấy tại nước ta tỷ lệ tử vong liên quan đến thuốc lá là hàng chục nghìn ca mỗi năm. Vậy nếu trì hoãn việc tăng thuế thì không biết sẽ có bao nhiêu người tử vong mỗi năm. Để giảm tiêu dùng thuốc lá thì chính sách thuế có tác động lớn nhất, do đó việc trì hoãn là không nên".
Chuyên gia kinh tế Đào Thế Sơn nhận định thêm, cơ sở của việc trì hoãn tăng thuế TTĐB thuốc lá là không có. Hiện các nhà sản xuất đang lo lắng về việc tăng thuế sẽ gây sốc. Chắc chắc việc tăng thuế sẽ có tác động, tuy nhiên tác động không quá lớn. Các doanh nghiệp có thể điều chỉnh mô hình kinh doanh, ví dụ bán ít đi nhưng lợi nhuận tăng lên... Giữa 1 bên tác động không quá lớn và 1 bên là vấn đề sức khỏe đang trong tình trạng báo động thì việc trì hoãn tăng thuế TTĐB thuốc lá là không cần thiết.
Theo báo cáo toàn cầu của Tổ chức y tế thế giới, Việt Nam nằm trong số 15 nước có giá thuốc lá thấp nhất thế giới. Nếu duy trì mức thuế tiêu thụ như hiện nay, Việt Nam không thể đạt mục tiêu của Chiến lược Quốc gia về Phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030 (giảm tỉ lệ sử dụng thuốc lá trong nhóm nam từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 36 %; nhóm nữ từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 1%).
Trên thị trường hiện có khoảng 40 nhãn hiệu thuốc lá có giá bán lẻ dưới 10.000 đồng/bao 20 điếu, có nhiều nhãn hiệu chỉ mức giá 7.000 đồng đến 8.000 đồng/bao 20 điếu. Với mức giá thuốc lá bán lẻ thấp như vậy, thuốc lá rất dễ tiếp cận với người có thu nhập thấp và người mới hút, kể cả trẻ em và trẻ em vị thành niên.