Tăng mức phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông là để ngăn ngừa vi phạm

(PLO) - Sáng qua (17/6), Tại Hội nghị triển khai Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt,  ông Vũ Đỗ Anh Dũng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam nhấn mạnh, hàng loạt hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đã được bổ sung và tăng chế tài xử phạt trong Nghị định 46 có hiệu lực từ ngày 1/8 tới nhằm mang tính răn đe đối với người điều khiển phương tiện.
Tăng mức phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông là để ngăn ngừa vi phạm

Cũng theo ông Dũng: “Những điểm mới của Nghị định trong thực tiễn là có, một số hành vi nhưng chưa có chế tài, áp dụng xử phạt có nhiều ý kiến trái chiều nên phải làm rõ hơn. Các hành vi đi xe máy vào đường cao tốc, xe quá tải có sự điều chỉnh về mức xử phạt, một số quan điểm đưa vào xử phạt như phát hiện vi phạm (người dân phản ánh các vi phạm giao thông đường bộ qua các video thì lực lượng chức năng tham gia và xử phạt)…”. Tuy nhiên, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ lưu ý, nếu có vấn đề nào của Nghị định chưa phù hợp với thực tiễn thì vẫn phải xem xét, điều chỉnh hướng dẫn.

Đánh giá chung về tình hình thực thi các quy định về an toàn giao thông, đại diện các cơ quan chức năng đều cho rằng, hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ quá tải, ý thức tự giác chấp hành pháp luật giao thông của người dân còn kém… là những nguyên nhân “muôn thuở” dẫn đến tình trạng giao thông lộn xộn, mất an toàn hiện nay, nhất là tại các TP lớn, đông dân như Hà Nội, TP HCM, trên các tuyến quốc lộ, thậm chí cả những tuyến đường nông thôn.

Do đó, việc tăng mức xử phạt phần nào sẽ tác động vào ý thức của người đi đường, để họ thấy được hậu quả của việc không tuân thủ pháp luật giao thông. Tuy nhiên, vấn đề đáng quan tâm là có giải pháp để tăng hiệu quả xử phạt vi phạm giao thông, qua đó kéo giảm vi phạm và tai nạn giao thông để phát huy được Nghị định mới trong việc cải thiện tình hình an toàn giao thông đường bộ.

Theo ông Vũ Đỗ Anh Dũng: “Mức phạt cao mà Nghị định 46 đưa ra không nhằm mục tiêu thu tiền của người vi phạm, mà chủ yếu mang tính giáo dục, cảnh báo, ngăn ngừa người tham gia giao thông vi phạm, đặc biệt là những hành vi tiềm ẩn nguy cơ gây hậu quả nghiêm trọng trong thời gian qua như: uống rượu, bia khi lái xe, vượt đèn đỏ, lạng lách, đánh võng…,”.

Nghị định 46 gồm 5 chương và 82 điều (tăng 4 điều so với Nghị định số 171) quy định chế tài xử phạt tương xứng với tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, bảo đảm tính răn đe và khả thi thực hiện, đồng thời bổ sung đầy đủ hành vi vi phạm và sửa đổi một số nội dung phù hợp với quy định của các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Giao thông đường bộ, Luật Đường sắt đáp ứng yêu cầu thực tiễn khắc phục triệt để những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định 171 và 107.

Về chế tài xử phạt, Nghị định 46 điều chỉnh mức phạt tiền đối với 152 hành vi, nhóm hành vi trong lĩnh vực đường bộ gồm nhóm vi phạm về nồng độ cồn; vi phạm tốc độ, vi phạm trên đường cao tốc, quy tắc giao thông, chở hàng quá tải trọng cho phép của phương tiện, nhóm hành vi chở hàng quá tải trọng cho phép của cầu, đường; các hành vi vi phạm liên quan đến kinh doanh vận tải đường bộ và kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ...

Đọc thêm