Trong đó, nội dung đáng chú ý của Luật là sửa đổi, bổ sung quy định về hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an.
Theo đó, hạn tuổi phục vụ cao nhất của hạ sĩ quan, sĩ quan Công an nhân dân đối với hạ sĩ quan là 47 tuổi; cấp úy là 55 tuổi; Thiếu tá, Trung tá đối với nam là 57 tuổi, nữ là 55 tuổi; Thượng tá đối với nam là 60 tuổi, nữ là 58 tuổi; Đại tá đối với nam là 62 tuổi, đối với nữ là 60 tuổi… Đối với sĩ quan Công an nhân dân là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia cao cấp có thể được kéo dài tuổi phục vụ hơn 62 đối với nam và hơn 60 đối với nữ theo quy định của Chính phủ.
Ngoài ra, Luật cũng quy định hạn tuổi phục vụ cao nhất của công nhân công an đối với nam là 62 tuổi và nữ là 60 tuổi và thực hiện theo lộ trình về tuổi nghỉ hưu đối với người lao động như quy định của Bộ luật Lao động; công nhân công an được áp dụng chế độ, chính sách như đối với công nhân quốc phòng.
Trước đó, Quốc hội đã nghe báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định về hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an trong dự thảo Luật đã được nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng trên cơ sở thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu, cải cách chính sách bảo hiểm xã hội; kế thừa quy định của Luật Công an nhân dân năm 2018 về hạn tuổi phục vụ cao nhất. Đồng thời, phù hợp quy định của Bộ luật Lao động về tuổi nghỉ hưu của người lao động…
Trên cơ sở quy định hạn tuổi phục vụ cao nhất đối với mỗi cấp bậc hàm, Bộ trưởng Bộ Công an sẽ quy định hạn tuổi phục vụ đối với các chức vụ, chức danh cho phù hợp tính chất đặc thù của từng lực lượng, đơn vị và vị trí, địa bàn, lĩnh vực công tác đặc thù của mỗi cá nhân.