Tăng thực chất cho phản biện xã hội với chính sách mới khi sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật

(PLVN) -  Chiều nay (22/5), Quốc hội thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.


Đại biểu Trần Thị Hiền (Đoàn Hà Nam).
Đại biểu Trần Thị Hiền (Đoàn Hà Nam).

Góp ý về vấn đề phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội vào quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Đại biểu Quốc hội Trần Thị Hiền (Đoàn Hà Nam) phân vân hai điểm.

Một trong hai điểm phân vân của bà Hiền khi góp ý vào vấn đề phản biện xã hội là phản biện xã hội được thực hiện trong giai đoạn cơ quan chủ trì soạn thảo tổ chức lấy ý kiến trước giai đoạn thẩm định, thẩm tra, tức là không thực hiện phản biện xã hội trong giai đoạn tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật. 

Bà Hiền đề nghị cân nhắc, vì trong thực tế, nhiều dự án luật sau khi trình Quốc hội lần đầu thì chính sách thay đổi rõ ràng, thậm chí có thêm đề xuất chính sách mới chưa được đánh giá tác động. Những trường hợp này rất cần thiết được phản biện xã hội để tạo sự đồng thuận và bảo đảm tính khả thi. 

Mặt khác, nếu quan niệm phản biện xã hội được thực hiện trong giai đoạn lấy ý kiến thì trong giai đoạn tiếp thu, chỉnh lý dự thảo, các cơ quan của Quốc hội cũng thường tổ chức rất nhiều hoạt động lấy ý kiến các cơ quan tổ chức và tham vấn đối tượng chịu sự tác động. 

Do vậy, theo bà Hiền, cần mở rộng hoạt động phản biện xã hội với chính sách mới được đề xuất bổ sung vào dự thảo luật lần trình thứ nhất.

Bên cạnh đó, bà Hiền cũng băn khoăn về ý nghĩa thực chất của cụm từ “có trách nhiệm tạo điều kiện” trong quy định “cơ quan tổ chức chủ trì soạn thảo và cơ quan tổ chức có liên quan có trách nhiệm tạo điều kiện để MTTQ Việt Nam thực hiện phản biện xã hội với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật”.

Thực tế cho thấy, điều kiện quan trọng nhất để bảo đảm phản biện xã hội một cách hiệu quả là MTTQ và các thành viên có liên quan phải được tiếp cận sớm với hồ sơ dự thảo luật; hồ sơ phải đầy đủ để thể hiện quan điểm chính thức của cơ quan chủ trì soạn thảo, để có đủ thời gian huy động lực lương, tập hợp chuyên gia, có tổ chức phản biện bằng hình thức hội nghị hoặc đối thoại với cơ quan soạn thảo. 

Bởi thế, cần cân nhắc quy định rõ thời điểm cơ quan chủ trì soạn thảo phải gửi hồ sơ dự án luật cho MTTQ để chủ trì tổ chức phản biện. Có vậy mới thể chế hóa được chủ trương, xem xét đưa hoạt động phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội vào quy trình xây dựng ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo Thông báo số 160 của Bộ Chính trị.

Đọc thêm