Tăng tốc lập hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sở Y tế TP HCM tăng tốc lập hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân sau 6 tháng gián đoạn do COVID-19, mục tiêu hoàn thành vào năm 2025.
Hồ sơ sức khỏe điện tử giúp giảm các thủ tục hành chính bằng giấy, tránh lãng phí, tính lưu trữ và tìm kiếm thuận lợi.
Hồ sơ sức khỏe điện tử giúp giảm các thủ tục hành chính bằng giấy, tránh lãng phí, tính lưu trữ và tìm kiếm thuận lợi.

Hồ sơ sức khỏe điện tử nhằm tạo sự kết nối liên thông dữ liệu về tình hình sức khỏe, dữ liệu khám chữa bệnh giữa các cơ sở y tế. Sổ còn giúp đảm bảo tính liên tục trong chăm sóc sức khỏe người dân, nhất là quản lý các bệnh không lây nhiễm.

Trong báo cáo tình hình triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử giai đoạn 2017 -2021, gửi Bộ Y tế, Sở Y tế TP HCM cho biết cuối tháng 4 đã phối hợp UBND quận Bình Thạnh khởi động lộ trình lập hồ sơ sức khỏe điện tử tại phường 27, với hơn 5.400 hồ sơ. Cách thức người dân tham gia lập sổ là quét mã QR theo hướng dẫn, nhập số điện thoại di động để nhận mã OTP và tự khai báo các dữ liệu sức khỏe.

Thời điểm ấy, ngành Y tế dự kiến sau khi đúc kết kinh nghiệm, hoàn chỉnh phần mềm, mô hình này sẽ được nhân rộng, triển khai cùng lúc ở 23 phường, xã khác trong năm nay. Tuy nhiên, do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, kế hoạch này bị gián đoạn từ tháng 6.

Theo Sở Y tế, TP đang ở bước tạo lập công cụ để người dân tự cung cấp thông tin sức khỏe, để chuyển tất cả dữ liệu sang hồ sơ điện tử, tiến tới tạo lập hồ sơ sức khỏe điện tử ban đầu cho từng cá nhân. Sở cũng sẽ xây dựng công cụ liên thông dữ liệu giữa Sở và các cơ sở khám chữa bệnh, để mỗi người dân khi đến khám đều có sẵn thông tin một cách đầy đủ nhất (điều trị, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh...) về tình hình sức khỏe. Điều này góp phần nâng cao hiệu quả điều trị, giảm chi phí y tế do không phải thực hiện lại các xét nghiệm cận lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh.

Sở Y tế kiến nghị Bộ Y tế cho phép kết nối liên thông, tích hợp, trích chuyển dữ liệu từ các phần mềm quản lý sức khỏe hiện hữu nhằm tận dụng thông tin có sẵn, không cần thu thập lại; thống nhất cách thức ghi nội dung khám chuyên khoa để thuận tiện trong việc chuyển hồ sơ giấy sang phần mềm. Ngoài ra, Bộ phải có quy định về công tác quản lý, bảo mật thông tin và cập nhật dữ liệu sức khỏe cá nhân của người dân.

Hồ sơ sức khỏe điện tử giúp giảm các thủ tục hành chính bằng giấy, tránh lãng phí, tính lưu trữ và tìm kiếm thuận lợi. Ngành Y tế cũng xây dựng được dữ liệu lớn về tình hình sức khỏe của người dân, theo Sở Y tế TP. Từ đó, bằng các thuật toán phân tích, tổng hợp, ngành Y tế đánh giá mô hình bệnh tật, dự báo những xu hướng diễn tiến để đề ra các chiến lược can thiệp phù hợp.

Bộ Y tế từ tháng 7/2019 triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử nhằm giúp người dân biết và dễ dàng quản lý thông tin sức khỏe liên tục và suốt đời, từ đó có thể chủ động phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe của mình. Ngành Y tế phấn đấu đến năm 2025, trên 90% dân số được quản lý sức khỏe.

Hồ sơ sức khỏe điện tử của một người cung cấp cho y, bác sĩ đầy đủ thông tin về tình trạng sức khỏe, tiền sử bệnh, các yếu tố nguy cơ. Từ đó, bác sĩ kết hợp với thăm khám hiện tại để có nhận định về sức khỏe của người bệnh toàn diện hơn, chẩn đoán bệnh kịp thời, chính xác hơn, phát hiện bệnh sớm hơn.

TP HCM là địa phương đầu tiên triển khai mã QR code để người dân tự khai báo hồ sơ sức khỏe điện tử. Đến nay, Bộ Y tế đã triển khai phần mềm hồ sơ sức khỏe tại một số tỉnh như Bà Rịa - Vũng Tàu, Nghệ An, Phú Yên, Bình Dương, Nam Định, Thái Bình, Lâm Đồng, Phú Thọ...

Đọc thêm