Điểm sáng nông, lâm nghiệp, thủy sản
Theo “Báo cáo Tổng quan thị trường tài chính 2017” được công bố hôm 26/12, NFSC dự kiến tăng trưởng GDP năm 2017 ước đạt 6,7% tăng cao hơn khoảng 0,5 điểm % so với năm 2016 nhờ sự cải thiện mạnh về tổng cung của nền kinh tế.
Xét theo khu vực kinh tế, theo NFSC, nhân tố chính thức thúc đẩy tăng trưởng GDP năm 2017 tăng cao hơn so với năm 2016 là nhờ sự phục hồi của khu vực nông, lâm, thuỷ sản và khu vực dịch vụ đạt mức tăng cao nhất trong 10 năm qua nhờ kết quả tăng trưởng ấn tượng của hoạt động bán buôn bán lẻ ngành du lịch.
Nhận định này của NFSC cũng tương đồng với Tổng cục Thống kê (TCTK) khi cơ quan này cho biết điểm sáng của tăng trưởng GDP năm nay là khu vực nông, lâm, thủy sản khi khu vực này chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi khiến năng suất trên 1ha đất tăng (tăng gấp 4 lần so với cơ cấu cũ);
Bên cạnh đó giá trị sản xuất chế biến, chế tạo tăng cao; Xuất khẩu của các sản phẩm chế biến, chế tạo cũng tăng cao, đặc biệt có sự bứt tốc nhanh vào cuối năm (quý IV tăng đột biến với 14,4 %) đã góp phần làm nên kỳ tích tăng trưởng GDP năm 2017…
Năm 2018: Thuận lợi nhiều hơn
Đánh giá triển vọng kinh tế Việt Nam 2018, TS. Đặng Ngọc Tú, nguyên Trưởng ban Nghiên cứu và Điều phối chính sách của NFSC, Thư ký Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho biết, khi tính toán với phương pháp phân rã tăng trưởng cho thấy, thành phần tăng trưởng xu thế đã liên tục cải thiện kể từ đầu năm 2013 và hiện đang ở mức khoảng 6,5%. Cùng với đó, thành phần chu kỳ (tăng trưởng do yếu tố tổng cầu) được dự báo có xu hướng tăng trong năm 2018.
Theo đó, trong mức tăng trưởng GDP năm 2018 dự báo có thể đạt khoảng 6,5-6,8% thì với 6,5% là mức tăng trưởng tối ưu không gây áp lực lên lạm phát. Còn tăng trưởng 6,8% là mức có thể đạt được khi các biện pháp kích cầu được áp dụng, nhưng sẽ gây ra áp lực lạm phát cầu kéo cho năm 2018.
Bên cạnh đó, theo ông Tú: “Nếu các chính sách cải thiện bên cung phát huy tác dụng thì dự báo tăng trưởng GDP năm 2018 có thể đạt mức cao hơn”.
Giải thích cho dự báo lạc quan đó, ông Tú cho hay, thuận lợi đến từ cả kinh tế thế giới và nhiều điều kiện trong nước. Trong đó, kinh tế thế giới năm 2018 được dự báo tăng trưởng cao hơn năm 2017, đặc biệt là tại các nền kinh tế mới nổi. Đầu tư toàn cầu sẽ tăng cao hơn 2017 và tiếp tục đổ vào khối các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam nhờ vào những cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách hành chính trong thời gian gần đây.
Ở trong nước, tổng cung của nền kinh tế được dự báo sẽ cải thiện nhờ hưởng từ các chính sách cải thiện bên cung theo tinh thần Nghị quyết 19/2017/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2030 và Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020…
Về khó khăn, ngoài vấn đề nội tại của nền kinh tế thì ngoài nước, khó khăn đáng kể được dự báo là thương mại toàn cầu nói chung và xuất khẩu của Việt Nam nói riêng sẽ chịu tác động bởi sự thay đổi chính sách thương mại của Mỹ…
“Nếu cân đong giữa thuận lợi và khó khăn thì năm 2018 thuận lợi nhiều hơn. Đặc biệt với tăng trưởng GDP vượt dự báo của năm 2017, khả năng tăng trưởng GDP trên 6,8% trong năm 2018 là có thể đạt được nếu chúng ta tiếp tục nỗ lực. Tuy nhiên điều hành kinh tế vĩ mô cần phải cân đối giữa tăng trưởng GDP với các chỉ tiêu khác, đặc biệt là lạm phát…”- một chuyên gia bình luận…
“Bản thân tôi có sự so sánh ẩn dụ về tăng trưởng của GDP với điểm số của một cậu học trò nghèo. Cậu học trò này luôn mơ ước điểm cao. Chúng ta phải nỗ lực hết sức để đạt được mục tiêu đặt ra chứ không nên quá tự ti, mặc cảm. Năm 2017 có nhiều dự báo nhưng ngay từ đầu năm, chúng tôi tin rằng GDP có thể đạt được 6,6-6,7%. Kết quả tăng trưởng GDP năm nay có nhiều đóng góp mang tính định lượng của công nghiệp chế biến chế tạo, xuất khẩu, du lịch, nông nghiệp. Nhiều chính sách của Chính phủ trong mấy năm trở lại đây đã thay đổi môi trường kinh doanh tốt đẹp hơn tạo thuận lợi cho tăng trưởng tăng tốc. Giai đoạn vừa qua cũng là thời điểm kinh tế thế giới gần qua hết khó khăn, cũng đóng góp tốt cho tăng trưởng của Việt Nam. Với tính toán riêng của tôi, GDP năm nay có thể đạt từ 6,7 đến 6,72%.”
TS Trương Văn Phước, Quyền Chủ tịch NFSC