Tạo chuyển biến trong xây dựng pháp luật

(PLVN) -  Đây là nhiệm vụ được đặt ra tại Nghị quyết Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 6 năm 2021 (Nghị quyết số 66/NQ-CP), do Chính phủ mới ban hành.
Một hội nghị về xây dựng, hoàn thiện và thi hành pháp luật.
Một hội nghị về xây dựng, hoàn thiện và thi hành pháp luật.

Tích cực, sáng tạo, quyết liệt thực hiện các giải pháp

Nghị quyết số 66 nhận định, công tác xây dựng thể chế, pháp luật là một trong ba đột phá chiến lược, là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Chính phủ chỉ đạo các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND các cấp cần tập trung cao cho công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Các bộ, cơ quan cần tích cực, chủ động, sáng tạo, quyết liệt thực hiện các giải pháp để khắc phục triệt để những bất cập, hạn chế trong công tác xây dựng pháp luật, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong xây dựng pháp luật, tạo chuyển biến quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của từng bộ, cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ xây dựng pháp luật.

Cũng tại Nghị quyết này, Chính phủ yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chủ tịch UBND các cấp quyết liệt thực hiện các giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế, nâng cao chất lượng công tác xây dựng thể chế, pháp luật. Cụ thể, các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chủ tịch UBND các cấp trực tiếp phụ trách và chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật; chủ động đổi mới, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành, khẩn trương triển khai các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; chỉ đạo tổ chức huy động các nguồn lực để tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật.

Thực hiện nghiêm túc, đầy đủ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Chỉ thị số 43/CT-TTg ngày 11/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật. Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chủ tịch UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm về tiến độ xây dựng và chất lượng của văn bản, hạn chế tối đa việc xin điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, nhất là việc xin lùi, rút dự án luật, pháp lệnh; khắc phục triệt để việc chậm, nợ văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết như thời gian vừa qua. Tăng cường chỉ đạo việc rà soát, đánh giá, tổng kết thi hành pháp luật để chủ động tháo gỡ các vướng mắc, bất cập đang cản trở đến hoạt động phát triển kinh tế, tạo động lực mới thông qua việc sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật; hỗ trợ, thúc đẩy các thành phần kinh tế khôi phục, phát triển sản xuất kinh doanh, thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch Covid-19 vừa thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Bảo đảm tính linh hoạt trong việc trình, ban hành văn bản luật

Tại Nghị quyết 66, Chính phủ cũng yêu cầu tiếp tục rà soát, xác định những nội dung vướng mắc, mâu thuẫn, chồng chéo, bất hợp lý, không còn phù hợp với thực tiễn trong các thông tư của bộ, cơ quan ngang bộ để ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung thuộc thẩm quyền trong quý III/2021.

Với những mâu thuẫn, chồng chéo, không còn phù hợp trong các nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ thì báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung theo trình tự, thủ tục rút gọn, hoàn thành trong quý III/2021. Với những vướng mắc liên quan đến luật, pháp lệnh thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ sẽ tập hợp, phân tích tác động, sự cần thiết phải ban hành, sửa đổi để báo cáo, đề xuất các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Quá trình xây dựng pháp luật cần được các bộ, cơ quan tuân thủ đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất vì lợi ích quốc gia, tránh tình trạng lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm, kiểm soát chặt chẽ các quy định, thủ tục hành chính gây phiền hà, khó khăn cho doanh nghiệp, người dân. Chính phủ yêu cầu đẩy nhanh việc xây dựng, ban hành 55 văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết của Quốc hội sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, không để tiếp diễn tình trạng chậm, nợ văn bản quy định chi tiết.

Bộ Tư pháp tiếp tục nghiên cứu đổi mới cách thức tổ chức thực hiện quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm tính linh hoạt, chủ động của các cơ quan trong việc trình, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đáp ứng đòi hỏi cấp thiết của việc xây dựng, ban hành văn bản phù hợp với yêu cầu của đời sống xã hội, phát triển đất nước, hoặc tình trạng khẩn cấp, phòng, chống dịch bệnh.

Đặc biệt, Chính phủ cũng nhấn mạnh, song song với việc đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, toàn diện, kịp thời, hiệu quả, công tác tổ chức thực thi pháp luật phải được coi trọng và thực hiện nghiêm túc, hiệu lực, hiệu quả.

Đọc thêm