Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua ngày 21/11/2012 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2013. Đây là văn bản pháp lý quan trọng quy định vị trí, vai trò, trách nhiệm và chính sách xây dựng, phát triển, bảo vệ Thủ đô. Việc thực hiện các chính sách đặc thù theo quy định của Luật đã giúp Thành phố thiết lập các công cụ pháp lý tương đối đồng bộ cho việc xây dựng, quản lý quy hoạch nhằm thực hiện thống nhất theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, việc thi hành Luật Thủ đô và các văn bản quy định chi tiết thi hành còn chưa đạt kết quả như mong muốn. Vì vậy, việc ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm thể chế hóa các quan điểm, định hướng phát triển nêu trong Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, khắc phục những tồn tại, hạn chế và tạo cơ chế đột phá để huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô Hà Nội nhằm xây dựng Thủ đô Hà Nội "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại" như mục tiêu Bộ Chính trị đề ra là rất cần thiết.
|
Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh phát biểu tại cuộc họp. |
Theo đó, phạm vi điều chỉnh của Luật sửa đổi là quy định vị trí, vai trò của Thủ đô; chính sách, trách nhiệm xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô; tổ chức chính quyền thành phố Hà Nội, chính sách liên kết, phát triển Vùng Thủ đô; nguyên tắc áp dụng Luật Thủ đô.
Có 9 nhóm chính sách được nêu lên tại đề nghị xây dựng Luật, bao gồm: Tổ chức chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, hợp lý, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Thu hút, sử dụng nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển Thủ đô; Nâng cao năng lực tài chính - ngân sách và huy động nguồn lực cho phát triển của Thủ đô; Phát triển đô thị và cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông của Thủ đô; Xây dựng, phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh; Phát triển văn hóa và giáo dục Thủ đô; Huy động, sử dụng, phát triển tiềm lực KH&CN, đổi mới sáng tạo; Phát triển hệ thống y tế hiện đại và hệ thống an sinh xã hội Thủ đô toàn diện, bao trùm và bền vững; Liên kết, phát triển Vùng Thủ đô trở thành khu vực phát triển nhanh, bền vững về kinh tế - xã hội, xanh, văn minh, năng động, trở thành khu vực trọng điểm.
Tại cuộc họp, thành viên Hội đồng thẩm định đã góp ý cụ thể đối với từng chính sách. Theo đó, tập trung vào một số nội dung như: kiến nghị rà soát chính sách tại các Nghị quyết quy định cơ chế đặc thù của một số địa phương khác; cân nhắc phạm vi không tổ chức HĐND; tăng tỉ lệ đại biểu chuyên trách HĐND Thành phố, bảo đảm mỗi đơn vị cấp huyện sẽ có ít nhất một đại biểu HĐND Thành phố chuyên trách phụ trách việc theo dõi, giám sát; nếu tăng thẩm quyền của HĐND giữa hai kỳ họp thì cần xác định rõ các vấn đề thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND…
Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh nhất trí với phạm vi điều chỉnh của đề nghị xây dựng Luật sửa đổi đồng thời đề nghị rà soát các chính sách đảm bảo phù hợp quy định của Hiến pháp 2013, Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật và các quy định pháp luật khác, đặc biệt là các chính sách liên quan đến ưu đãi, đặc thù về thuế.
Thứ trưởng đánh giá cao nguyên tắc áp dụng Luật Thủ đô (sửa đổi) khi cùng một vấn đề mà có quy định khác nhau thì áp dụng theo quy định của Luật Thủ đô. Đối với Luật khác được ban hành sau Luật Thủ đô mà có cơ chế chính sách ưu đãi cho Thủ đô thì HĐND có thể quyết định việc áp dụng pháp luật. Tuy nhiên, cần làm rõ tiêu chí xác định thế nào là ưu đãi và ưu đãi về mặt nào. Nhận định tính dự báo và giải pháp thực hiện của các chính sách đã khá đầy đủ, bám sát các quy định tuy nhiên Thứ trưởng yêu cầu cần đánh giá định lượng với một số chính sách để đảm bảo tính khả thi, thuyết phục.