Tạo dựng lại văn hóa đường phố Thủ đô

(PLO) - Hà Nội vừa ban hành Bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố, khuyến khích cách ứng xử văn minh, lịch thiệp, đồng thời khuyến cáo các hành vi thiếu văn hóa như vứt rác, nói tục, ăn mặc hở hang... Những quy định này cùng với các hình thức động viên, khen thưởng và các biện pháp chế tài nhằm góp phần xây dựng nếp sống văn minh, thanh lịch của Thủ đô nghìn năm văn hiến.
Ảnh minh họa

Thực ra, từ trước đến nay, nếp sống này được cổ vũ bởi dư luận cũng như công luận và hơn thế, trong tâm thức của những người yêu Hà Nội. Người hoài cổ tiếc một thời chưa xa: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”. Sự phát triển đô thị của thành phố cùng với tác động của lối sống du nhập từ khắp nơi về, đặc biệt, việc quản lý đô thị có vấn đề, văn hóa ứng xử không được chú trọng đã làm nên một Hà Nội xô bồ, nhếch nhác, ngay cả tiếng nói cũng bị pha trộn, người ngọng phát biểu trên phương tiện thông tin đại chúng ở Thủ đô là một ví dụ.

Sự ứng xử lịch thiệp cần đến một không gian để thể hiện, trong một cảnh quan phù hợp và còn phụ thuộc vào cách ứng xử của những người chung quanh. Tức là cần đến một môi trường để sản sinh, nuôi dưỡng, phát triển cách hành vi ứng xử văn hóa. Khi vỉa hè bị chiếm dụng, đường phố bị kẹt cứng, loa phường đinh tai, nhức óc, mùi tanh tưởi bốc lên từ cống rãnh, bãi rác, lại bị các loại lưu manh giả bán hàng rong lôi kéo, lừa đảo, đe dọa nữa... thì người ta khó có được một tâm thế bình yên, một thái độ ôn hòa lắm!

Hoặc, không ai có thể đồng tình với hành vi tiểu bậy nhưng không có một hệ thống nhà vệ sinh công cộng đáp ứng thì làm thế nào. Do vậy mà không ai nhắc nhở người có hành vi kém văn hóa kia, người ta tỏ ra thông cảm vì tình thế bắt buộc phải thế. Nếu ai đi tìm câu hỏi tại sao mọi người lại chọn cách im lặng trước những hành vi phản cảm, xấu xa diễn ra ở nơi công cộng thì đây là một dẫn chứng minh họa cho câu trả lời.

Đặc biệt quan trọng là môi trường và cảnh quan tác động đến hành vi ứng xử của mọi người. Mới đây, trong cuộc chiến giành lại hè phố, chính quyền cho kẻ những đường vạch vôi vỉa hè dành cho người đi bộ, thế mà cái khoản vỉa hè đó chỉ có 20cm, lại gặp các chướng ngại vật như cột đèn, gốc cây thì có người đi bộ nổi cáu, văng tục là điều tất yếu, lại thêm những đường vạch vôi zic-zăc, thò ra, thụt vào làm điên mắt người đi đường. Rất may là mô hình con khỉ khổng lồ không được dựng ở Bờ Hồ theo ý tưởng của các nhà quản lý văn hóa Thủ đô, nếu người ta thấy nó sừng sững ở đó thì có còn tỏ ra lịch thiệp được không?

Tóm lại, những hành vi văn hóa, những cách ứng xử lịch thiệp làm nên một nếp sống lành mạnh, văn minh phải được khuyến khích, biểu dương và nhân rộng nhưng cũng phải tạo dựng được không gian và môi trường để các hành vi ứng xử kém cỏi, thiếu văn hóa không còn chỗ để thể hiện và nếu nó xuất hiện thì bị loại trừ ngay bởi thái độ của mọi người chung quanh. Làm nên môi trường và tạo dựng không gian đó không ai khác chính là những nhà quản lý xã hội, quản lý văn hóa ở Thủ đô.

Đọc thêm