Tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp

(PLO) - Thực hiện nhiệm vụ được giao, trong những năm gần đây, hàng năm Bộ Tư pháp đều ban hành Kế hoạch theo dõi thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành và năm 2017 là lĩnh vực pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp. Để thiết thực triển khai Kế hoạch, từ hôm nay (14/6), Báo Pháp luật Việt Nam và Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật phối hợp xây dựng chuyên mục “Pháp luật về doanh nghiệp khởi nghiệp”. 
Ông Đặng Thanh Sơn - Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật
Ông Đặng Thanh Sơn - Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật

Trao đổi với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam về việc triển khai Kế hoạch để hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, ông Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (QLXLVPHC&TDTHPL) Đặng Thanh Sơn cho biết, Cục đã tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp thực hiện việc đôn đốc các bộ, ngành, địa phương ban hành hoặc bổ sung Công văn về theo dõi thi hành pháp luật (TDTHPL) trong lĩnh vực hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp. Đến thời điểm hiện nay, kết quả rà soát cho thấy đã có 51 địa phương trên toàn quốc và 06 bộ, ngành ban hành Kế hoạch hoặc có Công văn bổ sung TDTHPL về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp.

Ngày 10/4/2017, Cục đã tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Tư pháp tiếp tục ban hành Công văn số 1154/BTP-QLXLVPHC về việc triển khai Kế hoạch TDTHPL và hệ dữ liệu văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp. Thời gian qua, chúng tôi đã phối hợp với các bộ, ngành ban hành Danh mục các văn bản quy phạm pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp. Trên cơ sở đó, các địa phương tiếp tục rà soát, xây dựng danh mục các văn bản có liên quan theo thẩm quyền của mình để hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trên địa bàn.

Để tiếp tục hướng dẫn địa phương thực hiện công tác này một cách bài bản trong quá trình thực hiện hoạt động kiểm tra, điều tra, khảo sát, ngày 07/6/2017, Cục tiếp tục tham mưu Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Công văn số 1932/BTP-QLXLVPHC về việc hướng dẫn một số nội dung cần lưu ý trong hoạt động TDTHPL đối với doanh nghiệp khởi nghiệp.

Những văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ nói trên đã góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các bộ, ngành và địa phương trong quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện công tác TDTHPL về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp năm 2017 của bộ, ngành, địa phương mình.

Tới đây, những hoạt động cụ thể nào sẽ được tập trung thực hiện để đảm bảo hiệu quả của Kế hoạch, thưa ông?

- Trong thời gian tới của 2017, để tập trung thực hiện có hiệu quả Kế hoạch, Cục QLXLVPHC&TDTHPL sẽ tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp tổ chức một số hoạt động trọng tâm sau: 

Theo đó, Bộ Tư pháp sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Văn phòng Chính phủ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam…)  thực hiện công tác kiểm tra, điều tra, khảo sát hoạt động TDTHPL trong lĩnh vực hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (dự kiến sẽ tiến hành tại TP Hải Phòng, tỉnh Vĩnh Phúc, tỉnh Hà Tĩnh và tỉnh Cà Mau).

Bộ Tư pháp cũng sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện kiểm tra chuyên đề tại một số bộ, cơ quan ngang bộ trong việc thực hiện Kế hoạch TDTHPL năm 2017. Cụ thể dự kiến sẽ tiến hành kiểm tra tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp); Bộ Công Thương (hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại); Bộ Thông tin và Truyền thông (hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực thông tin - truyền thông); Bộ Xây dựng (hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực xây dựng).

Ngoài ra, Cục QLXLVPHC&TDTHPL sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tiếp nhận, thu thập thông tin phản ánh dư luận đối với việc thi hành pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp và tập trung phản ứng chính sách, xử lý các thông tin có liên quan đến lĩnh vực này nhằm kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn thi hành, đề xuất, kiến nghị hoàn thiện pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp.

Bên cạnh đó, Cục QLXLVPHC&TDTHPL sẽ chủ trì, phối hợp với Báo Pháp luật Việt Nam và các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường công tác truyền thông về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, trong đó sẽ tập trung vào một số hoạt động như đưa tin về các hoạt động của Bộ Tư pháp trong công tác TDTHPL về doanh nghiệp khởi nghiệp; phản ánh kết quả hoạt động, những bất cập, khó khăn, đề xuất, kiến nghị liên quan đến cơ chế pháp lý cho doanh nghiệp khởi nghiệp; giải đáp thắc mắc của doanh nghiệp, đặc biệt là vấn đề pháp lý liên quan đến chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp. Cục cũng sẽ phối hợp với Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức giao lưu trực tuyến với chủ đề “Tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực doanh nghiệp khởi nghiệp”.

Được biết, theo Kế hoạch theo dõi năm 2017, một trong những giải pháp được triển khai là tăng cường công tác truyền thông về lĩnh vực này trên các phương tiện thông tin đại chúng. Mong ông chia sẻ thêm về mục đích, ý nghĩa của nhóm các hoạt động truyền thông và kỳ vọng của ông liên quan đến nhóm hoạt động này?

- Mục đích và ý nghĩa của nhóm các hoạt động truyền thông trong năm nay là nhằm nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật của các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong việc thi hành pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp. Thông qua công tác truyền thông, Cục QLXLVPHC&TDTHPL kỳ vọng rằng công tác thi hành pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp bước đầu sẽ lan tỏa trong xã hội, đặc biệt có ý nghĩa đối với cộng đồng doanh nghiệp đang trong giai đoạn khởi nghiệp, giúp doanh nghiệp khởi nghiệp thêm kênh thông tin để tiếp cận với hệ thống pháp lý chính thống, từ đó sẽ chia sẻ những khó khăn, vướng mắc về rào cản pháp lý trong quá trình khởi nghiệp của doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, Bộ Tư pháp sẽ tổng hợp, kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc tổ chức thi hành cũng như hoàn thiện hệ thống pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp.

Dư luận hiện nay rất quan tâm đến việc theo dõi, xử lý thông tin về các vụ việc cụ thể, phản ứng chính sách một cách kịp thời. Theo ông, đối với hoạt động này thì cần lưu ý gì và đâu là giải pháp triển khai để có thể hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp một cách thiết thực?

- Đối với hoạt động xử lý thông tin và phản ứng chính sách, đây là một nhiệm vụ khó, đòi hỏi cơ quan quản lý nhà nước cần liên tục cập nhật, nắm bắt các thông tin một cách nhanh chóng, đồng thời xác định được tính cấp thiết cũng như tính chất “nóng”, phức tạp, nhạy cảm của vụ việc để có phản ứng chính sách kịp thời. Để hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp một cách thiết thực, hiệu quả, nhất là việc phản ứng chính sách kịp thời đối với các vụ việc cụ thể thì các cơ quan quản lý nhà nước cần tích cực, chủ động nắm bắt thông tin; bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, có khả năng phân tích, đánh giá chính sách và huy động được đội ngũ chuyên gia, cộng tác viên có kinh nghiệm, chuyên môn sâu trong lĩnh vực pháp luật về doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong quá trình tổ chức thi hành pháp luật. Tóm lại, hoạt động xử lý thông tin và phản ứng chính sách đòi hỏi cao về trình độ chuyên môn sâu và “kỹ năng” xử lý tình huống nhạy bén, chính xác, có tính chuyên nghiệp. 

Không những thế, chúng tôi cho rằng cơ quan có trách nhiệm TDTHPL tại các bộ, ngành và địa phương cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 như cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp; giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp.

Đối với Bộ Tư pháp, chúng tôi cho rằng, trong năm 2017 cần tập trung vào hoạt động theo dõi, kiểm tra đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc trách nhiệm của mình theo quy định tại Nghị định số 59/2012/NĐ-CP của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật, nhất là việc thực hiện Kế hoạch TDTHPL trong lĩnh vực trọng tâm liên ngành năm 2017 là hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp. Đồng thời, chú trọng tới việc xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp như xây dựng tài liệu giới thiệu, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật; bồi dưỡng kiến thức pháp luật; giải đáp pháp luật; tiếp nhận kiến nghị của doanh nghiệp và hoàn thiện pháp luật....

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Đọc thêm